Trung Quốc: Đổ xô đi săn thiên thạch, hy vọng làm giàu từ đá

Tú Anh (T/h)|09/09/2019 10:03
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Các nhà khoa học và các nhà thiên văn học đang tranh nhau đi săn tìm những mảnh thiên thạch tại đồng bằng rộng lớn và các khu vực miền núi của Trung Quốc.

Một phần sự hấp dẫn của việc tìm thiên thạch là cảm giác phiêu lưu. Đi đến các khu vực hẻo lánh đòi hỏi phải có thiết bị và kế hoạch nghiêm túc và cả sự hồi hộp khi có thể tìm thấy thứ gì đó thúc đẩy sự hiểu biết của khoa học về hệ mặt trời, theo chia sẻ của một số thợ săn thiên thạch.

Một mẩu thiên thạch rơi xuống trái đất.

Các nhà khoa học tìm thấy chất hữu cơ liên quan đến nước, nguồn gốc của sự sống, trong các thiên thạch “Zag và Monahans” đã rơi xuống Texas và Morocco năm 1998, làm tăng khả năng có sự tồn tại của các hợp chất hữu cơ phức tạp trong không gian.

Tuy nhiên, đối với nhiều thợ săn thiên thạch, động lực cơ bản nhất là tiền.

Sau khi một quả cầu lửa được nhìn thấy bay vút qua bầu trời gần biên giới Myanmar và Lào vào năm 2018, những người săn thiên thạch đã chạy đến khu vực này, trang bị máy dò kim loại của họ và hy vọng sẽ trở nên giàu có.

Khoảng 200 mảnh thiên thạch đã được người dân sống ở phía Tây Nam, Trung Quốc tranh nhau nhặt sau khi có một trận mưa thiên thạch xảy ra. Những mảnh vỡ của thiên thạch sau đó đã được tìm thấy trong một ngôi làng tại quận Mãnh Hải, Tây Song Bản Nạp. Điều này khiến dân làng, các nhà khoa học và các nhà thiên văn học tranh nhau đi tìm kiếm “kho báu” trời cho này.

Các mảnh thiên thạch đã được chào bán với giá 50.000 Nhân dân tệ (tương đương 178 triệu đồng)/gram chứ không phải với mức giá thông thường chỉ khoảng 100 Nhân dân tệ/gram.

Tuy nhiên, các nhà chức trách cũng cảnh báo dân làng rằng các mảnh thiên thạch có giá trị khoa học hơn là về tiền bạc.

Theo NASA, khoảng 44 tấn thiên thạch rơi xuống Trái đất mỗi ngày. Hầu hết bị đốt cháy trong bầu khí quyển, chỉ một số ít đáp xuống bề mặt trái đất.

Khi đánh giá các thiên thạch, các chuyên gia dựa trên hai đặc điểm khiến chúng khác với đá thông thường: Một lớp vỏ hợp nhất và regmaglypts. Regmaglypts là những lỗ hổng trên bề mặt của một thiên thạch, được tạo ra bởi ma sát khi thiên thạch đi qua bầu khí quyển.

Lớp vỏ hợp nhất là lớp vỏ sẫm màu bao quanh một thiên thạch. Khi một thiên thạch di chuyển qua bầu khí quyển, nó làm cho không khí xung quanh bị nén lại. Khí nén có nhiệt độ cao làm tan chảy các lớp bên ngoài của thiên thạch, lớp đó nguội đi tạo thành lớp vỏ hợp nhất.

Hầu hết các thiên thạch sắt được cho là có nguồn gốc từ lõi của các tiểu hành tinh lớn nằm xung quanh vành đai tiểu hành tinh giữa Sao Hỏa và Sao Mộc, cách Mặt Trời khoảng 400 triệu km. Những tiểu hành tinh đó được cho là tàn dư của việc hệ mặt trời của chúng ta được tạo ra khoảng 4,6 tỉ năm trước, đó là lý do tại sao chúng rất có giá trị và quan trọng đối với nghiên cứu khoa học về nguồn gốc ban đầu của chúng ta.

Tú Anh (T/h)

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc: Đổ xô đi săn thiên thạch, hy vọng làm giàu từ đá