“Trung Quốc xả lũ hỗ trợ Việt Nam là 1 cử chỉ hợp tác tốt”

22/03/2016 05:35
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Chuyên gia về đập lớn, mạng lưới sông ngòi của Việt Nam đánh giá việc Trung Quốc chấp nhận xả lũ từ đập Cảnh Hồng (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) xuống sông Mê Kông để góp phần khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL của nước ta là 1 cử chỉ hợp tác tốt.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Tây Nguyên và khu vực Nam Trung Bộ của Việt Nam đang phải trải qua đợt hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt nhất trong lịch sử 100 năm qua. Chính phủ Việt Nam đã có những hành động cấp bách như hỗ trợ lương thực, nước uống,… cho đồng bào vùng hạn; quyết tâm không để người dân thiếu ăn, đơn độc chống chọi với thiên tai khốc liệt. Đồng thời, chúng ta cũng đã đưa ra một số giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn ở khu vực nói trên.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) làm việc và đàm phán với phía Trung Quốc xả nước tại các hồ chứa để lượng nước sông Mê Kông tăng lên, nước ngọt từ con sông này đổ vào Việt Nam cũng sẽ nhiều lên hỗ trợ rất tốt cho việc đối phó với xâm nhập mặn và hạn hán ở ĐBSCL.

Trước đề nghị của Việt Nam, phía Trung Quốc đã chấp nhận và thực hiện xả lũ tại đập Cảnh Hồng (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) xuống sông Mê Kông từ ngày 15/3 đến 10/4 với lưu lượng gấp đôi so với mức trung bình cùng kỳ nhiều năm: từ 1.100m3/s lên 2.190m3/s.

trung-quoc-xa-lu-ho-tro-viet-nam-la-1-cu-chi-hop-tac-tot

ĐBSCL, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ đang trải qua đợt hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt nhất trong lịch sử 100 năm qua (ảnh: Minh Giang)

Trao đổi với PV Dân trí, Giáo sư, tiến sĩ khoa học (GS,TSKH) Phạm Hồng Giang – Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam đánh giá: Trước đề nghị của Việt Nam, Trung Quốc đã tiến hành xả lũ từ đập Cảnh Hồng xuống sông Mê Kông để hỗ trợ Việt Nam khắc phục hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL, đó là 1 cử chỉ hợp tác tốt.

Tuy nhiên, GS.TSKH Phạm Hồng Giang quan ngại: “Với lưu lượng 2.190m3/s là rất nhỏ, tác dụng đến việc chống hạn, đẩy mặn ở ĐBSCL là rất hạn chế. Giả sử, toàn bộ lưu lượng 2.190m3/s về được đến ĐBSCL thì cũng chỉ tương đương với lượng nước ở sông Cửu Long của nước ta vào mùa kiệt. Mà mùa kiệt ở con sông này trong những năm trước đây chúng ta cũng không có khả năng đẩy mặn. Mặt khác, lưu lượng nước nói trên còn phải đi qua 1 chặng đường dài hơn 2.000km, qua các quốc gia cũng đang rất “khát nước” như Lào, Thái Lan, Campuchia, khi về tới ĐBSCL cũng tổn thất rất nhiều”.

Nhiều người băn khoăn rằng, việc Trung Quốc xả nước liên tục với lưu lượng 2.190m3/s xuống sông Mê Kông từ 15/3 đến 10/4, liệu đập Cảnh Hồng có hết nước? GS.TSKH Phạm Hồng Giang phân tích thêm: “Thực ra việc Trung Quốc xả lũ ở đập Cảnh Hồng cũng là việc làm thường xuyên của họ, bởi vận hành thủy điện thì vẫn phải xả nước xuống hạ du. Đập Cảnh Hồng là đập cuối cùng trong hệ thống các đập thủy điện trên sông Mê Kông tại đất Trung Quốc. Khi đập này xả lũ thì các đập trên cũng xả nước xuống, kiểu như vận hành liên hồ chứa, vì vậy sẽ không lo đập Cảnh Hồng hết nước”.

Tiến sỹ Đào Trọng Tứ, Cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, nguyên Phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cũng đưa ra đánh giá, việc Trung Quốc chấp nhận đề nghị của Việt Nam xả lũ để hỗ trợ nước ta chống hạn và đẩy mặn ở ĐBSCL là việc hợp tác rất tốt.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Tứ cũng bày tỏ lo lắng: “Trung Quốc xả lũ từ đập Cảnh Hồng với lưu lượng 2.190m3/s từ ngày 15/3 đến 10/4 thì cũng phải mất 10-15 ngày mới về đến ĐBSCL. Lượng nước này về đến ĐBSCL được bao nhiêu thì tôi không đoán trước được, nhưng có lẽ là không đáng bao nhiêu vì nó phải đi qua các vùng hạn và quãng đường dài hơn 2.000km. Tôi nghĩ, lượng nước này tác dụng cho việc đẩy mặn, chống hạn ở ĐBSCL là không lớn, nếu như không muốn nói là không có khả năng”.

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ thông tin thêm, sông Mê Kông về mùa lũ, lượng nước từ thượng nguồn phần lớn sẽ đi vào Biển Hồ (dung tích 100 tỷ m3) của Campuchia, 1 phần sẽ đi về ĐBSCL của Việt Nam. Mùa khô, nước từ Biển Hồ lại cung cấp về cho ĐBSCL. Nhưng năm nay mực nước ở Biển Hồ xuống rất thấp, nên lượng nước sông Mê Kông đổ về ĐBSCL giảm đáng kể, chính vì vậy mới xảy ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn như hiện nay. ĐBSCL chỉ có thể tự chủ 5% lượng nước từ sông Mê Kông, 95% lượng nước còn lại phụ thuộc các quốc gia ở thượng nguồn, vì vậy, cần phải chủ động hợp tác với các quốc gia này.

“Bên cạnh hợp tác với các nước trong lưu vực sông Mê Kông để có cơ chế, giải pháp sử dụng nguồn nước từ dòng sông này 1 cách công bằng hợp lý, không gây hại cho quốc gia nào. Chúng ta cũng cần thực hiện các biện pháp chủ động ở hạ nguồn như chuyển đổi cơ cấu, tái cấu trúc nông nghiệp để làm thế nào sử dụng hiệu quả nguồn nước có lúc mặn, có lúc ngọt. Chúng ta phải chấp nhận ở mức độ nào đấy thiệt hại do thiên tai gây ra” – Tiến sĩ Đào Trọng Tứ chia sẻ thêm.

Cũng theo Tiến sĩ Tứ, giải pháp tốt nhất hiện nay là sử dụng hiệu quả các công trình thủy lợi hiện có để đóng cống, đắp đập ngăn mặn giữ ngọt; đồng thời kêu gọi người dân tiết kiệm nước ngọt trong sản xuất và sinh hoạt. Chính phủ cần đầu tư hồ trữ nước ngọt ở các vịnh sâu trong đất liền, phục vụ cấp nước cho vùng ĐBSCL, đặc biệt là vào mùa khô.

(Theo Dân trí)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Trung Quốc xả lũ hỗ trợ Việt Nam là 1 cử chỉ hợp tác tốt”