Vì sao bình minh, hoàng hôn khắp thế giới mang sắc tím huyền ảo?

Theo TTO|19/09/2019 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Vụ phun trào núi lửa ở Nga hồi tháng 6 có thể là nguyên nhân khiến bình minh và hoàng hôn trên khắp thế giới ngả sang sắc tím huyền ảo mùa hè vừa qua.

Theo Đài CNN, một nhóm các nhà nghiên cứu của ĐH Colorado Boulder (Mỹ) để ý thấy trong những tháng mùa hè vừa qua, bình minh và hoàng hôn mang sắc tím đậm hơn bình thường.

Họ quyết định thả một quả khí cầu lên tầng bình lưu của Trái đất để tìm hiểu hiện tượng này.

“Vốn dĩ, các hạt sol khí làm phân tán ánh sáng mặt trời khi nó đi xuyên qua không khí, kết hợp với khả năng hấp thu ánh sáng của tầng ozon, tạo ra sắc tím chúng ta thấy lúc bình minh và hoàng hôn” – nhóm nghiên cứu giải thích.

Quả khí cầu do nhóm nghiên cứu thả lên trời chính là nhằm thu thập các hạt sol khí để xem có điều gì bất thường xảy ra.

Nhóm các nhà khoa học thả khí cầu đo đạc lúc bình minh ló dạng – Ảnh: ĐH Colorado Boulder

Hóa ra, chúng đến từ một vụ phun trào núi lửa ở Nga cách đây 3 tháng. Ngày 22-6, núi lửa Raikoke rộng 700m tỉnh giấc, nó bắn vào bầu khí quyển một lượng tro bụi và khí khổng lồ. Vụ nổ lớn đến mức các phi hành gia trên Trạm không gian quốc tế cũng nhìn thấy.

Trong một ngày hoàng hôn không – núi – lửa, ánh sáng Mặt trời đi qua phần lớn bầu khí quyển Trái đất, ánh sáng xanh bị phân tán bớt bởi các sol khí trên đường đi. Ít ánh sáng xanh hơn nên bầu trời chủ yếu mang sắc cam và đỏ (nhìn qua mắt người, camera).

Khi sol khí núi lửa hiện diện trong tầng bình lưu, ánh sáng xanh phân tán bởi sol khi gần bề mặt Trái đất có thể bị phân tán lần nữa, lần này là về phía mắt chúng ta. Ánh sáng xanh này trộn với ánh sáng đỏ khiến bầu trời ngả sắc tím.

Ông Lars Kalnajs – nhà nghiên cứu vật lý không gian và khí quyển thuộc ĐH Colorado Boulder – cho biết không cần phải lo lắng về vụ phun trào núi lửa ở Nga, tuy nhiên con người cần phải chuẩn bị cho một sự kiện lớn hơn có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong tương lai.

“Một vụ phun trào lớn sẽ ảnh hưởng đến cả nhân loại” – ông Kalnajs giải thích.

Hồi năm 1815, núi lửa Tambora ở Indonesia bùng nổ khiến năm đó không có mùa hè vì tro bụi núi lửa lở lửng trong bầu khí quyển đã che khuất ánh mặt trời.

“Mùa màng thất bát trên khắp thế giới, băng trên các con sông ở Pennsylvania thậm chí không tan cho đến tận tháng 6” – chuyên gia Kalnajs mô tả.

Theo TTO

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao bình minh, hoàng hôn khắp thế giới mang sắc tím huyền ảo?