Vì sao mưa bão xuất hiện dồn dập ở miền Trung dẫn tới lũ lịch sử?

Quỳnh Anh|23/10/2020 10:03
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Các chuyên gia khí tượng cho biết miền Trung mưa triền miên trong những ngày qua dẫn tới lũ lịch sử là do tác động của nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm.

Miền Trung vừa bước qua hai tuần mưa lũ lịch sử. Chưa năm nào, người dân phải nhận nhiều tin bão, áp thấp nhiệt đới vào dồn dập như thời gian qua.

Hai cơn bão (số 6, số 7), một áp thấp nhiệt đới và một vùng áp thấp liên tiếp vào Biển Đông, gây lên những trận mưa lớn chưa từng có tại khu vực.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 20 ngày đầu tháng 10, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi ghi nhận lượng mưa phổ biến 1.000-2.000 mm, có nơi mưa đến 2.000-3.000 mm. Số liệu này cao gấp 3-5 lần so với lượng mưa trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng Dự báo Khí hậu (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia), trong thời gian qua từ ngày 5/10 – 13/10 ở khu vực Trung Bộ (các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình) đã xảy ra một đợt mưa lớn trên diện rộng, nhiều nơi chưa từng có trong lịch sử.

Nguyên nhân của đợt mưa lớn thời gian qua là do tổ hợp của nhiều hình thái thời tiết gây mưa. Thứ nhất là những tác động từ báo số 5, bão số 6 và hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trước khi có bão số 5 và số 6… tất cả các hình thế này hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực Trung bộ, kết hợp đới gió đông. Cùng với đó cũng chịu tác động liên hoàn của các đợt không khí lạnh, tổ hợp của dải hội. Hình thế không khí lạnh, dải hội tụ nhiệt đới, gió đông kết hợp lại gây mưa lớn diện rộng ở Trung Bộ.

Lũ lụt nghiêm trọng khiến người dân miền Trung thiệt hại nặng nề.

So sánh hình thái thời tiết này so với cùng kỳ hàng năm, ông Hưởng nhìn nhận, hình thế này thường xuất hiện ở Trung bộ trong giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Tuy nhiên cường độ hàng năm thì khác nhau, như năm nay hiện tượng không khí lạnh sớm và dải hội tụ nhiệt đới và gió đông mạnh hơn nên mưa lớn kéo dài trên diện rộng.

So sánh với các đợt lũ lịch sử, chuyên gia lấy mốc năm 1999 và cho rằng miền Trung năm đó xảy ra lũ lớn cũng do sự kết hợp của không khí lạnh, nhiễu động gió đông và bão.

Khác với năm nay, 3 đợt lũ liên tiếp tại Trung Bộ năm 1999 trải dài qua 8 tỉnh thành, kéo dài một tháng nhưng lại có những khoảng nghỉ giữa các đợt, chứ không dồn dập như thời gian qua. Đó là lý do nhiều tỉnh miền Trung năm nay ghi nhận các đỉnh lũ lịch sử, cao hơn năm 1999.

Do mưa rất lớn dẫn đến các thủy điện, hồ chứa phải xả lũ, xả tràn với lưu lượng cả trăm m3/h trong những ngày qua cũng là một tác nhân dẫn đến ngập lụt, ảnh hưởng ở một số nơi tại miền Trung.

Hiện, lũ trên sông Kiến Giang đã rút xuống mức 2,93 m nhưng vẫn trên báo động 3 là 0,23 m. Đêm 22 và ngày 23/10, lũ tiếp tục xuống dưới báo động 3, tình trạng ngập lụt sẽ khả quan hơn.

Quỳnh Anh


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao mưa bão xuất hiện dồn dập ở miền Trung dẫn tới lũ lịch sử?