Vì sao triều cường TP.HCM và miền Tây liên tiếp phá kỷ lục?

Lê An (t/h)|03/10/2019 03:25
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, đỉnh triều thực đo tại trạm Phú An, TP.HCM chiều 30-9 lên tới 1,77m – vượt mọi kỷ lục ghi nhận trước đây. Vì sao triều cường cứ liên tục lên cao?

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, đỉnh triều thực đo tại trạm Phú An, TP.HCM chiều 30-9 lên tới 1,77m – vượt mọi kỷ lục ghi nhận trước đây. Vì sao triều cường cứ liên tục lên cao?

Chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan cho rằng, hơn một tuần nay gió chướng hoạt động mạnh khiến mực nước tại các cửa sông dâng cao đúng lúc triều cường lên, nên đỉnh triều mới cao như vậy. Còn nguyên nhân sâu xa dẫn đến hiện tượng này là tình trạng nền đất Nam Bộ nói chung và TP HCM đang bị sụt lún do hệ quả của việc bêtông hóa và khai thác nước ngầm quá mức.

Những ngày qua người dân TP.Hồ Chí Minh khốn khổ vì triều cường dâng cao. Ảnh: M.Q

Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng là lý do khiến mực nước biển dâng lên đáng kể, song đây là kết quả của thời gian dài chứ không ảnh hưởng trong một sớm một chiều. Cụ thể, từ năm 1999 đến nay, xu thế triều cường tăng cao liên tục, đỉnh triều lịch sử luôn bị phá vỡ, hầu như năm sau lại cao hơn năm trước. Việc này thể hiện rõ nhất từ năm 2013 là 1,68 m; năm 2014 là 1,70 m; sau hai năm hạ xuống một ít. Đến năm 2017 kỷ lục mới lại hình thành là 1,72 m và năm nay triều cường đã xác lập kỷ lục mới – 1,8 m.

Ở nhiều tỉnh thành hạ lưu sông Mekong ghi nhận mực nước cao lịch sử, nhiều khu vực ngập nặng, nguyên nhân là triều cường kết hợp lũ từ thượng nguồn đổ về. Nhìn chung, khu vực Nam Bộ với đặc thù là vùng đồng bằng thấp, có hệ thống cửa sông lớn nên mỗi khi có triều cường dễ bị nước biển lấn sâu vào.

Nói về tình trạng lún, tại cuộc họp về chống ngập gần đây, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cũng đưa ra cảnh báo tình trạng lún nền đất ở TP.HCM trung bình 40mm/năm, có nơi nặng nhất 67mm/năm.

Theo các chuyên gia, ngoài nguyên nhân do khai thác nước ngầm, còn có sự gia tải trên nền đất yếu. Rất nhiều khu vực trước đây là đầm lầy, ao vườn nhưng hiện nay biến thành những tuyến đường lớn mà hàng loạt tòa nhà cao tầng xung quanh, điển hình nhất là đường Nguyễn Hữu Cảnh. Tuyến đường này từng được ghi nhận tình trạng lún mặt đường hơn 1,2m.

Tại nhiều tỉnh miền Tây, tình trạng lún mặt đất, nước biển dâng ngày càng có những dấu hiệu rõ nét hơn.

Lê An (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao triều cường TP.HCM và miền Tây liên tiếp phá kỷ lục?