Việt Nam cam kết giảm lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2030 để phát triển bền vững

Quỳnh Dao (T/h)|03/10/2018 10:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Ngày 3/10, nhóm Công tác Biến đổi khí hậu tại Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế “Pre-COP24: Cơ hội và thách thức trong việc rà soát và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định”.

Nhật Bản, Đài Loan: Siêu bão Kong-rey sắp đổ bộ với sức gió hơn 240km/h

Hải Phòng: Đưa 150 lượt hàng Việt về nông thôn

Ước tính, biến đổi khí hậu toàn cầu làm thiệt hại khoảng 1.600 tỷ USD mỗi năm và con số này có thể sẽ tăng lên hơn 4.000 tỷ USD vào năm 2030.

Để giảm thiểu thiệt hại và đối phó có hiệu quả với những thách thức về biến đổi khí hậu, Thỏa thuận Paris năm 2015 đã đặt ra mục tiêu tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu thông qua việc hạn chế tăng nhiệt độ bề mặt trái đất ở mức thấp hơn 2oC và cố gắng hơn để hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức thấp hơn 1,5oC so với giai đoạn tiền công nghiệp.

Cuối tháng 8/2018, theo dự thảo đầu tiên của Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định do Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật, Chính phủ Việt Nam cam kết giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính tới năm 2030 bằng nguồn lực trong nước so với kịch bản thông thường. Mức phát thải CO2 được nâng lên và năm cơ sở cập nhật là năm 2014 thay vì năm 2010. Nội dung sửa đổi chủ yếu của Báo cáo gồm việc điều chỉnh năm cơ sở, các mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản thông thường và bổ sung lĩnh vực mới cần tham gia vào công tác giảm thiểu như năng lượng, rác thải, sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất, lâm nghiệp, nông nghiệp.

Nội dung then chốt của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là mỗi bên đều phải xây dựng và trình Đóng góp do Quốc gia tự Quyết định (NDC), vạch ra những hành động liên quan đến khí hậu của các nước từ năm 2020 nhằm đạt được các mục tiêu đã được đặt ra trên quy mô toàn cầu.

Theo bản dự thảo Báo cáo kỹ thuật NDC cập nhật, Việt Nam đang cam kết mức giảm lượng phát thải khí nhà kính tương đối khiêm tốn đến năm 2030. Trong khi đó, tình hình biến đổi khí hậu trên thế giới vẫn chưa được đánh giá đúng mức cộng thêm quá trình ứng phó triển khai khá chậm chạp đang làm gia tăng rủi ro đối với sự phát triển của Việt Nam.

TTXVN đưa tin, bà Yvonne Blos, Giám đốc Dự án Biến đổi Khí hậu, Viện Friedrich-Ebert-Stiftung tại Việt Nam chia sẻ: “Để đạt được kết quả mong đợi tại COP24 sắp tới, các nhà lãnh đạo cần phải nắm lấy thời cơ và tận dụng những thuận lợi hiện có. Thành công của COP24 sẽ được đánh giá dựa trên các yếu tố có thể đạt được hay không một bản quy tắc với tính ràng buộc cao, các nước có đặt ra các mục tiêu tham vọng hơn để giữ nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C, làm sao để có được cơ chế tài chính khí hậu rõ ràng nhằm đảm bảo sẽ có nhiều nguồn tài chính hơn dành cho nhóm người nghèo, những người phải chịu tác động nặng nề nhất từ khủng hoảng khí hậu. COP24 vẫn có thể có được kết quả khả quan nếu đạt được tất cả các mục tiêu này”.

Quỳnh Dao (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam cam kết giảm lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2030 để phát triển bền vững