Việt Nam chế tạo vệ tinh radar để dự báo thiên tai

Phi Hồng (t/h)|19/10/2018 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

MOITRUONG.NET.VNChiều 18/10, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thông tin, Việt Nam và Nhật Bản đang chuẩn bị để sản xuất vệ tinh radar LOTUSat – 1 trong Dự án phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái đất.

>>>Quảng Nam tìm phương án tiếp tục tích nước

>>>Đắk Nông: Rừng thông cổ thụ bị đốn ngay trước trạm kiểm lâm

Các kỹ sư Việt Nam tham gia chế tạo vệ tinh tại Nhật Bản Ảnh: VNSC

Đây là vệ tinh quan sát Trái đất bằng radar đầu tiên của Việt Nam. Vệ tinh có độ phân giải cao (từ 1 đến 16 m), tức là có thể quan sát hình ảnh của một vật thể chi tiết khoảng 1-16 m. Sử dụng công nghệ radar mới nhất của thế giới, có thể quan sát trái đất với mọi điều kiện thời tiết khí hậu, chủ động thu thập thông tin, ảnh chụp có độ phân giải siêu cao, tần suất chụp ảnh tăng 2 lần so với vệ tinh Việt Nam đang có, là những ưu điểm của Vệ tinh LOTUSat-1 mà Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam chế tạo trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia, muốn chụp ảnh một khu vực nào đó Việt Nam phải đặt hàng, sau đó ít nhất 2 ngày mới nhận được, nếu mua ảnh vệ tinh thương mại cũng phải mất 16 tiếng mới có. Chưa kể, ảnh mua có thể bị làm mờ hoặc bị can thiệp cũng như có thể bị từ chối ở một số khu vực. Nếu có vệ tinh quan sát Trái đất riêng, Việt Nam có thể chủ động nguồn ảnh vệ tinh trong mọi điều kiện với thời gian chỉ 6 tiếng đồng hồ. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong các trường hợp khẩn cấp như bão, lụt, thảm họa môi trường.

Vệ tinh LOTUSat-1 có trọng lượng 570kg, sử dụng công nghệ radar mới nhất với nhiều ưu điểm như phát hiện các vật thể có kích thước từ 1m trên mặt đất, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết khí hậu, khả năng quan sát cả ngày lẫn đêm, giúp tăng gấp đôi hiệu suất quan sát Trái Đất so với vệ tinh dùng cảm biến quang học (chỉ chụp ban ngày). Nó còn có khả năng đâm xuyên, phân biệt tính chất vật liệu bề mặt và phản xạ tín hiệu vô tuyến. Điều này đặc biệt có ý nghĩa ở Việt Nam nói riêng và vùng Đông Nam Á nói chung do đặc điểm khí hậu nhiệt đới hầu hết thời gian bị che phủ bởi mây và mù.

TS Vũ Anh Tuân, Phó tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, thời gian thực tế cần để sản xuất vệ tinh LOTUSat – 1 là 36 tháng. Thời gian thử nghiệm và phóng lên quỹ đạo chưa xác định được do còn phụ thuộc nhiều yếu tố (thông thường phải đợi 6 tháng đến một năm). Việc sản xuất vệ tinh này sẽ được thúc đẩy nhanh để phục vụ việc dự báo thiên tai. Dự kiến khi ứng dụng sẽ giảm 10% thiệt hại do thiên tai ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam.

Sau khi phóng lên Trái đất, LOTUSat-1 đảm bảo việc quan sát Trái đất trong mọi trường hợp, xây dựng và xử lý các dữ liệu vệ tinh phục vụ giám sát và cảnh báo sớm thiên tai, thảm họa môi trường, đặc biệt là bão lũ, sạt lở đất. LOTUSat-1 cũng sẽ dự báo sớm sản lượng nông nghiệp, nguồn lợi hải sản, cập nhật hệ thống bản đồ điện tử cho quản lý và quy hoạch đất đai, nghiên cứu và phòng chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo báo cáo của NASA, nhờ việc sử dụng dữ liệu vệ tinh có thể giảm tới 5% – 10 % tổng thiệt hại do thiên tai gây nên (khoảng 0,05% GDP). Điều này đặc biệt ý nghĩa trong điều kiện Việt Nam là một trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Thiên tai có thể gây ra 1,5% GDP, tương đương khoảng 3,2 tỷ USD mỗi năm.

Để hoàn thành mục tiêu này, từ khâu thiết kế, lắp ráp và thử nghiệm đều được các sinh viên, kỹ sư của Việt Nam thực hiện ở Nhật Bản. Hiện đã có 36 cán bộ nghiên cứu và kỹ sư trẻ của Việt Nam được gửi đến 5 trường đại học của Nhật Bản để theo học chương trình đào tạo thạc sĩ công nghệ vũ trụ và thực hành sản xuất vệ tinh micro cỡ 50 kg sẽ được phóng vào tháng 12 tới.

Phi Hồng (t/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam chế tạo vệ tinh radar để dự báo thiên tai