Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước trầm trọng

21/04/2017 02:32
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Việt Nam cũng là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất với biến đổi khí hậu. Sự biến đổi theo mùa về dòng chảy của các con sông được dự đoán sẽ tăng lên chính vì vậy mà Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước trên diện rộng.

Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 828.000ha đất bị nhiễm mặn do biến đổi khí hậu hạn mặn kéo dài

Cụ thể, biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ làm cho các thách thức về nguồn nước trở nên phức tạp và khó lường. Nước sông, nước ngầm đã và đang suy giảm đáng kể, mực nước biển có xu hướng dâng cao, triều cường và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng. Trong khi đó, cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa cũng như sự gia tăng dân số, nhu cầu về nước cho sản xuất, đời sống đang tăng nhanh. 

Theo số liệu các nhà khoa học đưa ra tại Hội thảo quốc tế về an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại Việt Nam, nhu cầu nước cho sản xuất và tiêu dùng tăng nhanh, năm 1990 khoảng 50 tỷ m3 khối/năm, năm 2000 khoảng 65 tỷ m3 khối/năm, năm 2010 khoảng 72 tỷ m3 khối/năm; dự báo nhu cầu nước năm 2020 là 80 tỷ m3 khối/năm. Lượng mưa hàng năm khá cao nhưng phân bổ không đồng đều theo không gian và thời gian.

Nơi mưa nhiều như vùng Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) lên đến 8.000 mm/năm, trong khi đó Phan Rang (Ninh Thuận), Phan Rí (Bình Thuận) lượng mưa chỉ từ 400-700mm/năm. Tổng lượng dòng chảy bề mặt thay đổi rõ giữa các mùa trong năm, chiếm 75-85% trong mùa mưa, phần còn lại chia cho các tháng mùa khô. Sự hình thành các đập thủy điện ở thượng nguồn làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân đối nguồn nước.

thiếu nước 1

Đảm bảo an ninh nguồn nước đủ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân và phục vụ sản xuất đang là thách thức lớn của Việt Nam

Như vậy, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn về an ninh nguồn nước, nguyên nhân là do 60% tổng lượng dòng chảy xuất phát từ Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Lào và Campuchia với 126 con sông có nguồn từ nước ngoài chảy vào Việt Nam. Thiếu nước khiến dòng chảy cạn kiệt; nắng nóng kéo dài và mưa giảm gây khô hạn, đe dọa các vùng trong cả nước.

Dự báo thời gian tới, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 828.000ha đất bị nhiễm mặn; Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có gần 2,3 triệu héc ta bị suy thoái, có nguy cơ trượt lở; Vùng duyên hải Nam Trung Bộ có 56.000ha đất bị nhiễm mặn, 759.000ha bị hoang hóa, sa mạc hóa…

Để đảm bảo an ninh nguồn nước, cần có sự hợp tác chặt chẽ và thiện chí giữa các quốc gia để cùng bảo vệ, chia sẻ, khai thác công bằng, hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Đồng thời, cần có hệ thống chính sách, pháp luật, chiến lược về tài nguyên nước hoàn chỉnh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước và phòng chống có hiệu quả các tác hại của nước do nhân tai gây ra. Bên cạnh đó, phải thay đổi nhận thức và hành động ở mỗi địa phương, mỗi ngành, đoàn thể, cá nhân trong bảo đảm an ninh nguồn nước.

Thiên Bình

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước trầm trọng