Việt Nam hướng tới mục tiêu là trung tâm hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực

Duy Minh|25/03/2021 02:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Việt Nam đã trở thành Trung tâm Hỗ trợ dự báo thời tiết nguy hiểm khu vực Đông Nam Á và dự kiến trong 1-2 năm tới, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Trung tâm Hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực và hỗ trợ cho công tác đào tạo về dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm.

Nhân Ngày Khí tượng thế giới (23/3), GS. TS. Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV), Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Công tác dự báo khí tượng thủy văn của Việt Nam đang tiệm cận với công nghệ, trình độ của nhiều nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

GS. TS, Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Thùy Chi

Ông Thái cho biết thêm, ngành KTTV nước ta luôn tham gia tích cực vào các hoạt động hợp tác đa phương với Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO); Ủy ban Bão; Tiểu ban Khí tượng – Vật lý địa cầu ASEAN (ASCMG); Trung tâm Khí hậu khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APCC)… Việc chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế theo chiều sâu, tận dụng hiệu quả nguồn vốn và ưu thế công nghệ của các tổ chức đa phương này đã hỗ trợ nước ta hiện đại hóa công nghệ dự báo KTTV, cảnh báo thiên tai và công tác ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Ngoài hợp tác đa phương, Tổng cục KTTV cũng đã tích cực triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế song phương trong lĩnh vực quan trắc, dự báo và cảnh báo KTTV. Hiện ngành KTTV đã và đang hợp tác chặt chẽ với hầu hết các đối tác có nền khoa học KTTV phát triển nhất như: Mỹ, Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh; thiết lập nhiều kênh thông tin với Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc để trao đổi thông tin, cùng đưa ra nhận định về dự báo và cảnh báo bão, mưa lớn; đồng thời hợp tác với Cơ quan Khí tượng Phần Lan, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản để đồng bộ hóa, hiện đại hóa và tăng cường năng lực quan trắc của mạng lưới radar; đẩy mạnh hợp tác quốc tế song phương với Hàn Quốc, Na Uy, Italy nhằm tiếp cận việc xây dựng và sử dụng mạng lưới quan trắc khí tượng tự động, tăng cường năng lực quan trắc và cảnh báo/dự báo tại các đài KTTV khu vực.

Việc tăng cường hợp tác quốc tế đã giúp cho Tổng cục KTTV nâng cao năng lực cán bộ, từng bước xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo, dự báo, truyền tin theo chuẩn quốc tế. Tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về lĩnh vực KTTV còn góp phần đưa các thông tin quan trắc, dự báo, cảnh báo của Việt Nam đến các quốc gia khác nhau trên thế giới, góp phần khẳng định chủ quyền trên biển và trên đất liền, nơi có những số liệu đo đạc của ngành KTTV Việt Nam vẫn duy trì hàng trăm năm nay.

Hệ thống radar thời tiết tại Quy Nhơn phục vụ quan trắc bão cho khu vực Nam Trung Bộ

Theo thông tin từ Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái, năm 2011, WMO đã chính thức công nhận Việt Nam là một mắt xích quan trọng, một thành viên chủ động trong công tác KTTV của thế giới. Việt Nam đã trở thành Trung tâm Hỗ trợ dự báo thời tiết nguy hiểm khu vực Đông Nam Á, theo đó sẽ thay mặt cho WMO hỗ trợ công nghệ và dự báo cho các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippines trong công tác dự báo, cảnh báo các hiện tượng KTTV nguy hiểm như mưa lớn và gió mạnh.

Dự kiến trong 1 – 2 năm tới, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Trung tâm Hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á, hỗ trợ công tác đào tạo về dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm.

Để nhanh chóng đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới, Tổng cục KTTV sẽ đưa các chuyên gia tham gia những sự kiện quy mô thế giới và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong ngành KTTV.

Ngoài ra, Tổng cục cũng xây dựng chiến lược, định hướng mới, đó là thông tin KTTV không chỉ phục vụ phòng chống thiên tai, mà còn là cơ sở cho phát triển kinh tế – xã hội của các vùng, các ngành khác nhau, như du lịch, nông nghiệp…

Đặc biệt, ông Trần Hồng Thái nhấn mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực trên. Ông cho biết, Tổng cục xác định ngành KTTV sẽ là ngành có công tác chuyển đổi số đi đầu và số hóa các dữ liệu, tài liệu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để bản tin dự báo kịp thời, tin cậy hơn và loại hình bản tin, sản phẩm dự báo sẽ phong phú hơn.

Duy Minh

Bài liên quan
  • Sử dụng công nghệ cao để đưa ra dự báo tin cậy
    Moitruong.net.vn – Từ nay đến cuối năm, khu vực miền núi phía Bắc được nhận định sẽ tiếp tục có những hình thái thiên tai cực đoan như mưa lũ. Do vậy, các địa phương cần chủ động phòng chống thiên tai với phương châm 4 tại chỗ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam hướng tới mục tiêu là trung tâm hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực