Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện

Mai Lê|04/03/2020 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Việt Nam không chỉ là điểm đến an toàn vì những nỗ lực phòng chống dịch rất hiệu quả mà Việt Nam còn an toàn một cách tự nhiên.

Điểm sáng y tế được thế giới công nhận

Thời gian qua, công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 được đặt ra là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần “chống dịch như chống giặc” của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân; cùng với hệ thống các giải pháp quyết liệt, kịp thời, chủ động, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn. Chúng ta đã đạt được kết quả thành công bước đầu quan trọng trong phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19, được cộng đồng quốc tế và nhân dân đánh giá cao. Các hoạt động giám sát y tế, cách ly người đến từ vùng dịch (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Italy…) được thực hiện nghiêm.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp, khó lường và cũng xác định thành quả cho tới lúc này mới chỉ là “chiến thắng trận đầu” và cuộc chiến này còn gam go đòi hỏi phải tiếp tục duy trì quyết tâm cũng như hành động mạnh mẽ chống dịch theo quan điểm xuyên suốt “Chống dịch như chống giặc”. Song, không thể phủ nhận Việt Nam đã đạt được những thành quả trong việc bảo vệ sức khỏe, cuộc sống của người dân, sự ổn định kinh tế-xã hội của đất nước.

Việc phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả đã mang lại sự tin tưởng, an tâm cho cộng đồng quốc tế, trong đó có các khách du lịch và nhà đầu tư, rằng Việt Nam là một Điểm đến An toàn.

Điểm đến an toàn, thân thiện

Bên cạnh những nỗ lực phòng chống dịch, một thuận lợi quan trọng của Việt Nam là điều kiện thời tiết lý tưởng, với các bãi biển nắng ấm, không khí tốt và thời tiết sẽ sớm ấm áp trên cả nước, đặc biệt các khu vực miền Trung, Nam Bộ. Đây là lý do khiến Việt Nam có thể trở thành một điểm đến an toàn tự nhiên và khách du lịch có thể đến Việt Nam không chỉ để cảm nhận an toàn mà còn có những trải nghiệm thú vị.

Theo Tổng cục Thống kê ngày 29-2, dù tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm 2019, nhưng tính chung 2 tháng đầu năm 2020, khách quốc tế đến nước ta vẫn đạt hơn 3,23 triệu lượt người, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước.

Dù lượng khách đến Việt Nam từ Trung Quốc giảm khá mạnh 5,8% trong 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước, nhưng khách đến từ nhiều thị trường quan trọng vẫn có sự tăng trưởng. Trong đó, khách Nhật Bản tăng 8%, Đài Loan (Trung Quốc) tăng 19,9%, Thái Lan tăng 34,5%… Đáng kể là lượng khách đến từ châu Âu trong 2 tháng qua ước tính tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, khách Nga tăng 17,7%; Vương quốc Anh tăng 5%; Pháp tăng 4%; Đức tăng 0,6%, châu Phi tăng 17,7%…

Du khách từ châu Âu tới Việt Nam

Du lịch là ngành dịch vụ tổng hợp, phục vụ con người và là ngành đầu tiên chịu tác động mạnh do dịch Covid-19. Bên cạnh đã hành động mạnh mẽ để khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn, ngành du lịch cũng đã chủ động, khẩn trương triển khai các kế hoạch ứng phó, khắc phục hậu quả của dịch bệnh cũng như các biện pháp quảng bá, xúc tiến du lịch.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa chính thức ban hành tiêu chí du lịch an toàn với dịch Covid-19. Bộ tiêu chí được đưa ra dựa trên chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và ý kiến từ Bộ Y tế. Đối tượng áp dụng gồm các địa phương, doanh nghiệp du lịch đăng ký “Chương trình kích cầu Du lịch Việt Nam” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động.

>>>Xem thêm:Hà Nội: Du lịch năm 2020 cần những bước đi bền vững

Theo đó, các điểm đến an toàn được xác định là những di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu du lịch… đảm bảo tiêu chí như không thuộc vùng có dịch Covid-19 (đã được cơ quan có thẩm quyền xác định theo luật Phòng, chống nhiễm bệnh năm 2017).

Nếu điểm đến có một hoặc nhiều dịch vụ như doanh nghiệp du lịch; dịch vụ ngủ; lưu trú; vui chơi; ăn uống; hàng hóa, cơ sở cung cấp phải đáp ứng đầy đủ tiêu chí theo quy định.

Một doanh nghiệp du lịch an toàn chỉ được phép ký hợp đồng du lịch với cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước không thuộc diện cách ly y tế. Đồng thời, doanh nghiệp chỉ được đưa khách đến các điểm an toàn theo tiêu chí bên trên.

Các đơn vị này cần chủ động cùng cơ quan y tế có thẩm quyền tổ chức tập huấn về dịch Covid-19 và cấp chứng nhận cho lái xe, hướng dẫn viên, người phục vụ trên phương tiện vận chuyển du khách. Ngoài ra, doanh nghiệp cần công bố những địa điểm du lịch an toàn trên website để khách hàng nắm bắt.

Về tiêu chí dành cho dịch vụ nghỉ ngơi, vui chơi, ăn uống, các cơ sở cần thực hiện việc phòng chống dịch, áp dụng biện pháp phòng hộ cá nhân theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Rác thải, chất thải phát sinh trong cung cấp dịch vụ phải được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định của Bộ Y tế. Những cơ sở này cần bố trí nơi rửa tay, xà phòng, dung dịch sát khuẩn nhanh tại khu vực vệ sinh, ăn uống, nhà bếp.

Bộ tiêu chí cũng nhấn mạnh về yêu cầu dành cho các đơn vị khai thác dịch vụ vận chuyển khách du lịch. Theo đó, những phương tiện sử dụng cần được khử trùng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

>>>Xem thêm: Ngành du lịch: Phòng, chống dịch bệnh Covid – 19 và lên kế hoạch phục hồi hoạt động

Các lái xe, hướng dẫn viên, người phục vụ trên phương tiện vận chuyển thực hiện biện pháp phòng hộ cá nhân theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Mỗi phương tiện vận chuyển đều phải bố trí đủ khẩu trang, dung dịch sát khuẩn nhanh khi khách du lịch có nhu cầu.

Tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ nêu trên đều phải niêm yết số điện thoại của cơ sở y tế có thẩm quyền trên địa bàn để liên hệ khi cần thiết.

Chương trình kích cầu Du lịch Việt Nam do Hiệp hội Du lịch Việt Nam ban hành vào 20/2. Chương trình được tổ chức nhằm khắc phục hậu quả do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Đối tượng tham gia là các địa phương, doanh nghiệp đã đăng ký với ban tổ chức chương trình. Trong đó, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk được xem là những điểm an toàn trước dịch bệnh. Trong thời gian tới, các địa danh này sẽ thành lập liên minh kích cầu du lịch, hứa hẹn đem đến những ưu đãi lớn cho du khách.

Mai Lê

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện