Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO

Hoàng Anh|19/11/2021 05:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trở thành thành viên Hội đồng Chấp hành là cơ hội tốt để Việt Nam thể hiện ‘trách nhiệm kép’ trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, tận dụng sáng kiến của UNESCO phục vụ xây dựng, phát triển đất nước.

Ngày 17/11, trong khuôn khổ khóa họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 tại Paris (Pháp), Việt Nam được các nước thành viên UNESCO bầu vào Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2021-2025.

Với số phiếu nhận được là 163 trên tổng số 178 phiếu bầu, Việt Nam không chỉ trở thành một trong 6 quốc gia đại diện cho nhóm 4 (châu Á-Thái Bình Dương) tham gia vào Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ mới mà còn là một trong những nước giành số phiếu cao nhất trong đợt bầu cử này.

Kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 38

Với kết quả này, Việt Nam cũng sẽ lần thứ 5 trở thành thành viên của Hội đồng chấp hành, một trong hai cơ quan quyền lực quan trọng nhất của UNESCO. Các ủy viên Hội đồng chấp hành có vai trò quan trọng trong việc hoạch định chiến lược và xây dựng chương trình hành động của UNESCO.

Hội đồng chấp hành UNESCO bao gồm 58 thành viên, là cơ quan thay mặt Đại hội đồng UNESCO trong thời gian giữa hai kỳ họp, giám sát việc thực hiện chương trình hoạt động và quản lý ngân sách, duy trì quan hệ với Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác thuộc Liên hợp quốc, lập chương trình nghị sự và chuẩn bị cho Đại hội đồng, đề nghị kết nạp thành viên mới, giới thiệu người ứng cử vào chức vụ Tổng Giám đốc, bầu Tổng Giám đốc…

Do Hội đồng chấp hành UNESCO có vai trò và quyền lực rất lớn trong việc hoạch định chính sách của tổ chức nên sức ép và trách nhiệm của các nước được bầu vào Hội đồng chấp hành UNESCO cũng sẽ rất lớn.

Việt Nam đã từng là thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 1978-1983, 2001-2005, 2009-2013 và nhiệm kỳ 2015-2019. Việc trở thành thành viên Hội đồng Chấp hành nhiệm kỳ 2021-2025 là cơ hội tốt để Việt Nam thể hiện “trách nhiệm kép” trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, tận dụng các ý tưởng, sáng kiến của UNESCO phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước một cách bền vững, đồng bộ và toàn diện. Đồng thời, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp thực chất vào các vấn đề quốc tế mà UNESCO đang quan tâm thúc đẩy.

Hoàng Anh

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO