Vụ lợn giống dính vi rút dịch tả lợn Châu Phi từ công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Bài 2): Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình khẳng định đã làm đúng quy trình?

Thế Đoàn|17/07/2019 11:13
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trước nghi vấn có hay không việc mua bán giấy kiểm dịch thú y khi vận chuyển 65 con lợn “dính” dịch tả lợn châu Phi từ Thái Bình vào Hà Tĩnh, trao đổi với PV Moitruong.net.vn đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình lại khẳng định đã làm đúng quy trình.

Như đã thông tin ở bài báo trước, anh Hồ Phúc Tiến ở thôn Làng Khang, xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh có mua 65 con lợn của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam Chi nhánh Thái Bình nhưng số lợn này đều dương tính với vi rút dịch tả lợn Châu Phi.

Để làm rõ thông tin liên quan, sáng ngày 17/7/2019, PV Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn đã có buổi làm việc với đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình

Trụ sở Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thế Đoàn

Buổi làm việc có sự tham gia của ông Phạm Văn Lý – Phó chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình, bà Hà Thị Hồng Sâm, kiểm dịch viên – người cấp giấy kiểm dịch số 0020378 cho lô hàng 65 con lợn giống từ trại lợn Thái Hồng của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam Chi nhánh Thái Bình, và bà Hoàng Thị Miền – Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh.

Cụ thể, ông Lý cho biết vì Thái Bình là tỉnh đầu tiên công bố dịch tả lợn châu Phi, nên Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình đã chủ động nắm bắt tình hình dịch. Đồng thời khẳng định có sự kiểm tra, giám sát rất kĩ khâu kiểm dịch và cấp giấy kiểm dịch cho các cơ sở buôn bán, hộ chăn nuôi trên địa bản tỉnh.

Ông Phạm Văn Lý khẳng định Chi cục đã làm đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Thế Đoàn

Về quy trình kiểm dịch của Chi cục, ông Lý giải thích: “Chúng tôi thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Từ lúc nhận thông tin của các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân có nhu cầu vận chuyển lợn trong thời gian có dịch, Chi cục sẽ hẹn ngày xuống cơ sở, trực tiếp lấy mẫu và gửi phòng xét nghiệm. Khi có kết quả, chúng tôi căn cứ vào đó để cấp giấy kiểm dịch cho chủ hàng. Và mẫu kết quả này chỉ được phép vận chuyển trong 10 ngày”.

Như vậy, hộ gia đình anh Hồ Phúc Tiến nhận lợn vào ngày 29/6, vẫn trong thời gian hiệu lực của giấy kiểm dịch số 0020378 do Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình cấp ngày 22/6/2019.

Tuy nhiên, theo khai báo trong giấy kiểm dịch của ông Nguyễn Tuấn Anh đại diện Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam chi nhánh Thái Bình, điểm đến cuối cùng không phải là địa chỉ hộ gia đình anh Tiến (huyện Can Lộc) mà là xã Kỳ Hưng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Mặc dù, vận chuyển từ Thái Bình vào Hà Tĩnh nhưng duy nhất chỉ có 2 đơn vị kiểm tra đóng dấu đó là Trạm kiểm dịch động vật Dốc Xây thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa và Trạm kiểm dịch động vật Bắc Nghệ An. Thậm chí Hà Tĩnh là địa phương nơi đến cuối cùng cũng không khai báo kiểm tra đóng dấu.

Bà Hà Thị Hồng Sâm khẳng định việc kiểm dịch và cấp giấy kiểm dịch cho lô hàng 65 con lợn giống là đúng quy định. Ảnh: Thế Đoàn

Về vấn đề này, bà Sâm cho biết: “Việc lấy mẫu tại trại lợn này là do đồng chí Nguyễn Ngọc Hùng – Phòng quản lý dịch bệnh phụ trách. Còn xe lợn này là tôi trực tiếp xuống kiểm tra, cấp giấy kiểm dịch cho 65 con lợn, có đầy đủ phiếu trả lời kết quả xét nghiệm và phiếu trả lời an toàn dịch bệnh của trại. Chủ hàng khai báo đến địa điểm nào, thì chúng tôi cấp giấy kiểm dịch đi đến đó, còn trên quá trình đường đi cụ thể họ đi đâu thì chúng tôi không thể theo sát được”. Bà Sâm cũng khẳng định việc Chi cục cấp giấy kiểm dịch cho lô hàng này là đúng quy định, không có chuyện mua bán giấy chứng nhận kiểm dịch.

Trả lời câu hỏi của phóng viên: Sau khi cấp giấy kiểm dịch có địa điểm cuối cùng là huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình có gửi thông báo đến các cơ quan liên quan của tỉnh Hà Tĩnh không? Bà Miền cho biết: “Sau khi cấp giấy kiểm dịch, chúng tôi đã gửi email đến Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh nhưng đến giờ vẫn chưa có phản hồi gì”. Bên cạnh đó, bà Miền cũng khẳng định hiện nay trại lợn của ông Tuấn Anh thuộc Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam chi nhánh Thái Bình vẫn khỏe mạnh bình thường.

Số lợn bị nhiễm vi rút dịch tả lợn Châu Phi được gia đình anh Hồ Phúc Tiến đào hố tiêu huỷ

Kết thúc buổi làm việc, ông Lý tiếp tục khẳng định Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình đã thực hiện đúng quy định về kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch. Đồng thời cũng cho biết đang liên hệ với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh để làm rõ thêm thông tin. Còn về phía Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam Chi nhánh Thái Bình, Chi cục sẽ gửi thông báo đến đại diện công ty yêu cầu giải trình vụ việc và đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình xử lý nếu có sai phạm.

Với việc khẳng định của ông Phạm Văn Lý – Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình và các thuộc cấp như trên liệu có khách quan? Nếu quy trình kiểm dịch tốt và chặt chẽ như vậy thì làm sao khoảng 1 tuần mà tự nhiên 65 con lợn lại bị dính vi rút dịch tả lợn châu Phi?. Vậy đâu sẽ là nguyên nhân khiến 65 con lợn bị dính bệnh dịch tả?

Toà soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Thế Đoàn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ lợn giống dính vi rút dịch tả lợn Châu Phi từ công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Bài 2): Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình khẳng định đã làm đúng quy trình?