Xã Lưu Kỳ (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng): Người dân sống chung với bụi than

23/12/2016 03:28
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

– Hơn 10 năm trở lại đây, người dân 2 thôn Đá Bạc và Bạch Đằng vô cùng bức xúc trước tình trạng các doanh nghiệp đang hoạt động tập kết bãi than lộ thiên dọc đê Đá Bạc, xã Lưu Kỳ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng làm ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống của người dân nơi đây.

Bụi than đen bao phủ khắp xóm làng

Trở lại xã Lưu Kỳ vào một ngày cuối Đông, có mặt tại đê Đá Bạc. chúng tôi không khỏi giật mình khi chứng kiến tình trạng các đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh, tập kết chế biến than một gây bụi vô cùng khủng khiếp. Tình trạng ô nhiễm bụi than, tiếng ồn do các đơn vị kinh doanh tập kết than ở đê Đá Bạc diễn ra suốt một thời gian dài. Người dân ở thôn Bạch Đằng và thôn Đá Bạc đã rất nhiều lần gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương, sự việc đã được giải quyết nhưng không triệt để.

img_20161223_095832

Do nơi tập kết kinh doanh than không được tưới nước nên mỗi khi xe đi qua là bụi mù

Bà N.T.L ở thôn Bạch Đằng, xã Lưu Kỳ sống gần khu vực đê cho biết: “Đấy các bác nhìn xem, nhà tôi vừa mới lau xong đã lại bẩn rồi. Từ lúc người dân kiến nghị thì họ không sản xuất ngày nữa mà chuyển sang đêm. Đêm đến là xe tải chảy rầm rầm. Sân, mái nhà, nắp bể nước nhà tôi sáng dạy là có một lớp bụi phủ lên. Cây cối trồng trong vườn cũng chẳng lớn và ra quả do bụi than bám vào. Quần áo tôi có dám phơi ở ngoài đâu, nhiều hôm để quên sáng dậy rũ áo bụi bay mù luôn. Bụi than sợ lắm các cô các chú à”.
img_20161223_095825

Bui than bám đen kít tường nhà

Cùng chung ý kiến, bác T.T.S ở thôn Bạch Đằng bức xúc cho biết: “Trước tình trạng ô nhiễm môi trường của bụi than do các doanh nghiệp gây ra, chúng tôi cũng đã làm đơn gửi các cấp, ngành, chính quyền thì năm 2015 cũng thấy có các đoàn về làm việc, kiểm tra nhưng cuối cùng đâu vẫn hoàn đấy, sự việc vẫn không được giải quyết thỏa đáng, dân khổ vẫn hoàn khổ. Nhà tôi một ngày phải lau 4 đến 5 lần, quần áo thì chúng tôi phải phơi trong nhà. Mùa g
ió Bắc đêm ngủ phải đóng cửa kín mít, khổ lắm cô ạ”. Bác Si chạm tay vào cái tủ mà thấy 1 lớp bụi dày ở trên bề mặt. Tất cả các đồ đạc trong nhà như giường, tủ, ti vi đều nhuốm 1 màu đen, cứ chạm đến vật gì thì tay lại đen đến đó. Nhìn cháu bé nhà bà đi học về ngồi chơi ở ghế mà mặt mũi đen nhẻm, áo trắng cháu mặc đến trường cũng đổi màu vì bụi than nhiễm bẩn, cuộc sống của bà con nơi đây ngày đêm phải ăn, ngủ, sinh hoạt và sống chung cùng bụi than.

Cô C.T.T ở đội 2 thôn Đá Bạc cho biết thêm: “Khi các cơ quan chức năng về làm việc với các đơn vị thì các đơn vị cũng có hứa hẹn là sẽ hỗ trợ bồi thường thiệt hại độc hại cho người dân nơi đây nhưng cuối cùng thì các đơn vị không có cái gì gọi là bồi thường cho dân ở đây cả. Ăn bụi, ngủ bụi, cơm, nước,…tất cả đều sống chung với bụi than. Nhà cô, có cô con gái mở quán gội đầu nhưng do bụi than bẩn quá không kinh doanh được phải bỏ đi nơi khác để mở quán”.

Cây cối 2 bên đường phủ kín một màu đen, ngày nắng thì bụi mù mịt thì mưa lầy lội, nước mưa kèm theo bụi than hòa quện chảy xuống ao hồ khiến ao đầm không thể nuôi thả cá, ruộng vườn của người dân, toàn bộ diện tích cấy lúa của người dân bị giảm năng suất, cây ăn quả không thể đơm hoa kết trái. Nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm trở nên trầm trọng là do các doanh nghiệp tập kết than quá cao không được che chắn nên khi có gió nhẹ, bụi than đã dễ dàng bay sang khu dân cư.

Chính quyền có làm hết trách nhiệm?

Trao đổi với phóng viên Môi trường và Cuộc sống, ông Nguyễn Văn Công – Chủ tịch UBND xã Lưu Kỳ cho biết: “Khu vực ngoài đê Đá Bạc có chiều dài hơn 1km, được ủy ban huyện Thủy Nguyên cho 13 hộ thuê đất để kinh doanh khai thác, làm bãi tập kết than. Thời gian gần đây, mức độ ô nhiễm môi trường tại khu vực 2 thôn Đá Bạc và Bạch Đằng luôn trong tình trạng báo động. Những vấn đề này xã có nhận được đơn thư của bà con và có báo cáo lên huyện, huyện cũng đã có những biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với 1 số đơn vị và đã triển khai giải tỏa hành lang đê. Thuê người quét dọn 2 ven đê, yêu cầu các đơn vị trồng cây xanh để giảm thiểu lượng bụi phát tán ra môi trường. Đồng thời xã cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải hạ thấp độ cao các đống than từ 3-5m.img_20161223_095842

Bất kỳ nơi đâu trong nhà đều thấy bụi than bám đen xì

Việc xay nghiền than phải di chuyển ra ngoài mép sông và phải có bạt che chắn khôngđược để phát tán khói bụi than bay vào nhà dân làm ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân, các phương tiện vận chuyển ra vào các doanh nghiệp không được hoạt động quá 22h hàng ngày. Bên cạnh đó, xã cũng đã tổ chức buổi họp bàn với các doanh nghiệp làm sao phải có biện pháp thiết thực để giảm thiểu bụi than. Các doanh nghiệp đã đồng ý đóng góp tiền cho xã để thuê xe tưới nước dọc đường đê Đá Bạc để hạn chế khói bụi”.img_20161223_095856

Các bãi than không được che đậy nên mỗi khi có cơn gió thổi qua là bay hết vào nhà dân

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên thì những thông tin mà ông chủ tịch xã Lưu Kỳ cung cấp thì lại hoàn toàn khác xa so với thực tế, các doanh nghiệp ở đây vẫn để tình trạng các đống than cao ngất ngưởng, bãi than thì không hề có bạt che chắn, cụ thể như Công ty TNHH vận tải kinh doanh xuất nhập khẩu Trường Nguyên, Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Triệu Phong, Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh dịch vụ Bảo Long, Công ty cổ phần Đức Hòa… Mặc dù các cơ quan chức năng cũng đã từng xử lý vi phạm hành chính đối với các hộ kinh doanh than. Nhưng dường như các hộ không có sự biến chuyển mà vẫn ngang nhiên hoạt động sản xuất gây ô nhiễm mà không có bất cứ sự kiểm tra giám sát nào của xã Lưu Kỳ và UBND huyện Thủy Nguyên

Để minh chứng lời nói của vị đại diện chính quyền xã, chúng tôi có đề nghị ông Công – Chủ tịch UBND xã cung cấp các biên bản xử phạt đối với các đơn vị kinh doanh than gây ô nhiễm môi trường và các thủ tục pháp lý liên quan về bảo vệ môi trường của các đơn vị… Nhưng từ khi làm việc đến nay, đã hơn một tháng trôi qua, ông Công đã không cung cấp được bất cứ giấy tờ nào. Phải chăng chính quyền xã Lưu Kỳ đang ngầm tiếp tay cho các đơn vị kinh doanh than ở bãi Đá Bạc hoạt động sai phép?

Trong số tiếp theo, chúng tôi sẽ làm rõ trách nhiệm của chính quyền xã Lưu Kỳ, UBND huyện Thủy Nguyên trong việc để các đơn vị kinh doanh, tập kết than gây ô nhiễm môi trường diễn ra hơn 10 năm năm qua mà không được xử lý dứt điểm, dẫn đến tình trạng khiếu nại kéo dài gây bức xúc trong dư luận?

Thu Thủy – Lê Chính


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xã Lưu Kỳ (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng): Người dân sống chung với bụi than