Xã Tam Xuân 2 (Quảng Nam): Người dân dần bỏ thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp

21/04/2019 08:18
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đặc biệt là đối với cây lúa, nhiều mô hình đã đem lại kết quả khả quan. Tiếp thu và học hỏi các mô hình trên  ở các tỉnh, là việc người dân ở xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã và đang làm trên các cánh đồng ruộng của mình.

– Hiện nay nhiều tỉnh thành trong cả nước, người nông dân đang dần thay đổi thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp.  Người dân ở xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã tiếp thu và học hỏi các mô hình trên ở các tỉnh để áp dụng ngay tại các thửa ruộng của mình.

>>> Những loài cây giúp căn nhà mát mẻ ngày nắng nóng

>>> Xã đảo An Bình (Quãng Ngãi) thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng

Từ nhận thức đến thay đổi thói quen

Trước đây, về các cánh đồng lúa của xã Tam Xuân 2, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy bao, ống, chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật được người dân phun thuốc bỏ khắp nơi, vừa làm ô nhiễm nguồn nước, vừa gây độc hại cho hệ sinh thái xung quanh. Hơn nữa, việc người dân lạm dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng nói chung và cây lúa nói riêng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của chính người dân và người tiêu dùng. Nguy hiểm nhất, người nông dân đi phun thuốc lại chủ quan ít khi nào mang bảo hộ lao động, dụng cụ  để pha và phun thuốc còn thô sơ, nhiều cánh đồng người dân sử dụng thuốc cỏ nhưSofit 300 ND, Meco60 EC cho cây lúa trước và sau khi gieo từ 1- 3 ngày, hoặc các loại thuốc khác để diệt cỏ bờ như carphosate, Glyphosan, Shoot, Nufarm…, thuốc cỏ có thể tiêu diệt cỏ, giúp cây lúa phát triển nhanh hơn nhưng hệ lụy nó để lại rất nghiêm trọng.

Để giúp người dân bỏ thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, khi gieo trồng lúa và sản xuất hoa màu là một việc làm rất khó đối với các nhà chuyên môn nói chung và cán bộ xã Tam Xuân 2 nói riêng, người nông dân vốn dĩ chất phác, miễn cái gì có lợi cho đời sống của họ là họ sẵn sàng làm, khó nhưng không thể không làm, cán bộ của huyện, xã đã tổ chức các đợt tập huấn cho người dân trước và sau khi gieo trồng, hạn chế sử dụng thuốc  nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa an toàn và đảm bảo môi trường, cảnh quan.


Cơ giới hóa được sử dụng trong quá trình thu hoạch lúa trên cánh đồng xã Tam Xuân 2 (Như Quỳnh)

Cũng chính từ những đợt tập huấn, tuyên truyền từ các cấp và tự tìm tòi học hỏi qua các trang báo đài, điện tử. Đến nay người dân Xã Tam Xuân 2, đã hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình gieo trồng lúa và sản xuất hoa màu trên diện rộng. Các sản phẩm của thuốc bảo vệ thực vật, cũng được người dân tập kết cho vào các ống bi, bể đựng riêng sau khi sử dụng, không còn tình trạng vứt tràn lan, bừa bãi. Người dân đi phun thuốc cũng đã chú ý hơn trong việc trang bị các thiết bị bảo hộ lao động để bảo vệ chính bản thân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Như Châu một người dân xã Tam Xuân 2, chia sẻ: “Kể từ khi được học các lớp tập huấn và xem truyền hình về tác hại của thuốc bảo vệ thực vật đối với việc gieo trồng, đã giúp tôi nghiệm ra nhiều thứ như việc ảnh hưởng đến sức khỏe, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, từ đó tôi không dùng thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa và hoa màu nữa, mùa màng tuy không đạt bằng khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhưng tôi tin tưởng vào sản phẩm mình làm ra, dùng trong gia đình và bán cho người khác sử dụng cũng yên tâm hơn”

“Nhà tôi làm 6 sào lúa, nhưng ít khi nào tôi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật lắm, có khi bệnh ở cây lúa rất nhiều, như đạo ôn, khô vằn, sâu cắn lá, thấy ruộng lúa bị như vậy tôi rất lo lắng, sợ mất trắng, nhưng tôi nhất quyết không phun thuốc, vì tôi nghĩ mình làm lúa ra cũng chẳng bao nhiêu, nhu cầu chủ yếu là cho gia đình, nếu phun thuốc, khi ăn vào nó thấm vào người sinh bệnh tật rất nguy hiểm”, chị Trương Thị Nhựt, một người dân sống trên địa bàn xã cho hay.

Người dân đang hối hả thu hoạch lúa vụ Đông Xuân (Như Quỳnh)

Để tìm hiểu cặn kẽ về quy trình sản xuất lúa của người dân xã Tam Xuân 2, chúng tôi đã nhiều lần đi khảo sát thực tế trên các cánh đồng và nhận thấy một điều, trước khi xuống vụ lúa người dân thường làm rất kỹ các khâu từ làm đất cho đến chọn giống, thời vụ, nước, mật độ gieo trồng đúng như câu tục ngữ “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” của ông bà ta ngày xưa truyền lại, người dân họ làm vậy để làm sạch đất,hạn chế được các mầm mống sâu bệnh và các tác nhân khác ảnh hưởng đến cây lúa và hứa hẹn sẽ đem lại năng suất cao hơn.

An toàn, tiết kiệm, năng suất cao

Diện tích toàn xã là 26,71km2, nơi đây người dân chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp, phụ thuộc chính vào cây lúa, nên mọi vấn đề  liên quan đến kinh tế người dân rất quan tâm, họ luôn mong muốn sau mỗi mùa vụ sẽ có thêm nhiều thóc, lúa. Chính vì vậy, các khâu trong sản xuất và gieo trồng cây lúa được người dân đặt lên hàng đầu.

Theo chúng tôi được biết, nơi đây người dân sản xuất hai vụ chính Đông Xuân và Hè Thu, nguồn nước được lấy từ kênh thủy lợi  của đập Phú Ninh, trước khi xuống giống, chính quyền địa phương sẽ thông báo đến từng người dân trên địa bàn được biết để theo dõi và gieo trồng cho đúng thời vụ, tránh tình trạng người làm trước, người sau và giảm tải được sâu bệnh phá hoại mùa màng.

Thời điểm này, trên khắp cánh đồng, người dân đang bận rộn thu hoạch mùa màng, không khí tràn ngập tiếng người nói chuyện rôm rả, tiếng máy cày, máy kéo,…

Cơ giới hóa được sử dụng trong quá trình thu hoạch lúa trên cánh đồng xã Tam Xuân 2 (Như Quỳnh)

Một số người dân đang hoạch lúa nói: Bây giờ từ gieo trồng lúa cho đến lúa thu hoạch khỏe lắm, người dân không còn cảnh cái cày đi trước, con trâu theo sau nữa, thay vào đó bằng cơ giới hóa, nên sản lượng lúa làm ra cũng đạt hơn mọi năm. Mặc dù không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhưng lại vừa tiết kiệm, vừa an toàn mà vẫn đạt năng suất cao.

Ông Nguyễn Tấn Đồng- Phó Chủ tịch xã Tam Xuân 2, cho biết: “Vụ Đông Xuân toàn xã đạt 56 tạ/ha, giống lúa được người nông dân ưa chuộng để gieo trồng là Khang dân 18, Thiên ưu… với tổng diện tích gieo trồng là 701ha”.

Thường sau thu hoạch vụ Đông Xuân người dân chúng tôi, để cánh đồng bỏ hoang một thời gian rồi mới xuống giống sạ lại thời vụ mới, nhưng năm nay thời tiết hanh hao, nóng bức, sắp tới sợ có bão, lụt có thể chúng tôi, sẽ xuống giống sớm trong vòng sau thu hoạch cỡ 20 ngày cho đến 1 tháng, một người dân khác cho biết thêm.

Có thể nói, thuốc bảo vệ thực vật giống như con dao hai lưỡi, giúp người dân chống được bệnh tật, sâu bệnh, đối với cây lúa nhưng mặt hại của nó cũng rất khủng khiếp. Việc người dân xã Tam Xuân 2, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là một bước tiến trong quá trình sản xuất nông nghiệp, hướng đến một nền nông nghiệp sạch và mô hình này cần được nhân rộng hơn nữa trong cả nước.

Như Quỳnh


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xã Tam Xuân 2 (Quảng Nam): Người dân dần bỏ thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp