Xây dựng chiến lược phát triển đường sắt với tinh thần là phải cải cách mạnh mẽ

Trọng Nhân|01/11/2020 02:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Thủ tướng giao Bộ GTVT xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với tinh thần lớn là phải cải cách mạnh mẽ ngành đường sắt.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ về tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam.

Trong bối cảnh hệ thống đường sắt quốc gia còn lạc hậu, tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn ngày càng nghiêm trọng, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp đường sắt hiện có và phát triển các tuyến đường sắt mới, đường sắt đô thị đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước là rất cần thiết.

Các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều bị chậm tiến độ và phải điểu chỉnh tăng tổng mức đầu tư gây nhiều dư luận không tốt về dự án

Từng bước hoàn thiện hệ thống khung pháp lý trong lĩnh vực đường sắt tạo tiền đề trong việc quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải đường sắt. Một số dự án đầu tư lĩnh vực đường sắt được hoàn thành đưa vào sử dụng đã từng bước nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng; tốc độ chạy tàu và an toàn đường sắt được cải thiện; sản lượng vận tải đường sắt năm sau cao hơn năm trước.

Đường sắt đô thị tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh đã triển khai đầu tư một số tuyến nhằm giảm ùn tắc giao thông; đồng thời đã thành lập các doanh nghiệp quản lý đường sắt đô thị và hiện đã đi vào hoạt động để từng bước tiếp quản, đưa các dự án vào khai thác sử dụng.

Ngành Giao thông vận tải tập trung cải tạo, nâng cấp đường sắt hiện có như tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng…; xây dựng hệ thống đường sắt đô thị theo quy hoạch; nghiên cứu, triển khai xây dựng mới các tuyến đường sắt nối với các cảng biển lớn, khu công nghiệp, du lịch, đường sắt nối với các tỉnh Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, đường sắt kết nối quốc tế; đặc biệt, nghiên cứu, xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam là xương sống của chiến lược.

Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương chuẩn bị đất đai, mặt bằng phục vụ xây dựng các tuyến đường sắt; đồng thời chủ động đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện tốt nhất để phát triển đường sắt Việt Nam, nhất là việc làm chủ công nghệ tiên tiến, huy động hiệu quả nguồn lực. Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam cần được nghiên cứu kỹ, lấy ý kiến của các chuyên gia, tư vấn, nhà khoa học, so sánh để lựa chọn phương án tối ưu về công nghệ, suất đầu tư, huy động vốn…

Sau khi báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án được thẩm định theo đúng quy định pháp luật, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Bộ Chính trị, báo cáo Quốc hội khóa XV và chuẩn bị triển khai tốt các bước tiếp theo.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với tinh thần lớn là phải cải cách mạnh mẽ ngành đường sắt; đưa ra phương án khả thi, cụ thể, đặc biệt là đối với đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, coi đây là xương sống của chiến lược, cùng với các nhánh đường sắt liên tỉnh, liên vùng, đô thị. Báo cáo cần đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện tốt nhất để phát triển đường sắt Việt Nam, nhất là làm chủ công nghệ mới, những công trình cụ thể, phương án huy động vốn.

Trọng Nhân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng chiến lược phát triển đường sắt với tinh thần là phải cải cách mạnh mẽ