Xây dựng định hướng cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2016 – 2020

06/05/2017 06:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức Hội thảo Xây dựng định hướng cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2016 – 2020, tại Hà Nội.

Các đại biểu tham gia Hội thảo Xây dựng định hướng cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2016 – 2020

Ông Đỗ Văn Thành – Vụ trưởng Vụ Quản lý nguồn nước, Tổng cục Thủy lợi cho biết, mục tiêu đến năm 2020 có 95% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh và 55% dân số được sử dụng nước sạch. Theo ông Đỗ Văn Thành, để đạt mục tiêu này cần tăng cường đầu tư từ ngân sách Nhà nước, xã hội hoá. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác, kêu gọi hỗ trợ vốn từ các tổ chức quốc tế, đồng thời đề nghị các ngân hàng thương mại cho phép các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vay với mức ưu đãi.

Ngoài ra, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, thiết bị cấp nước nhỏ lẻ; đẩy mạnh ứng dụng tự động hóa điều hành, kiểm soát chất lượng nước; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ thân thiện với môi trường, kết hợp hài hoà giữa năng lượng tái tạo và điện năng, đồng thời, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chất lượng nước; ứng dụng công nghệ cấp nước nhỏ lẻ, giảm giá thành, công nghệ đơn giản, dễ sửa chữa…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đang gặp nhiều thách thức bởi biến đổi khí hậu, ảnh hưởng bởi nguồn nước từ thượng nguồn… đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới. Hội thảo lần này nhằm đánh giá lại những kết quả đã đạt được thời gian qua, đồng thời phân tích những hạn chế để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Năm 2017, vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được các cấp, các ngành quan tâm, nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng được những công trình nước sạch có tính đột phá. Đồng thời, tạo thuận lợi cho người dân được tiếp cận với nguồn nước sạch, hợp vệ sinh. Đặc biệt, đã có nhiều doanh nghiệp, tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, tình trạng biến đổi khí hậu đang đe doạ nghiêm trọng về nguồn nước; trong trường hợp xảy ra thiên tai, nhiều nơi khó tiếp cận nguồn nước. Bên cạnh đó, ô nhiễm nguồn nước ngày càng gia tăng, quản lý nguồn nước tại khu vực miền núi, Tây Nguyên kém hiệu quả và chậm có giải pháp khắc phục. Do vậy, theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, thông qua hội thảo, các đại biểu phân tích, đề ra giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Năm 2016, có 87,5% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh; trong đó, gần 49% đạt QCVN 02:2009/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước sinh hoạt. Các địa phương có tỷ lệ 100% nước hợp vệ sinh gồm: Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo thống kê của Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh nông thôn (NSH&VSNT) – Sở NN&PTNT Hà Nội, đến tháng 2/2017, gần 95% dân số nông thôn đã được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch mới đạt khoảng 39%. Con số này chưa đạt so với mục tiêu kế hoạch hàng năm mà TP hướng tới. Ông Đỗ Quý Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm NSH&VSNT (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm vẫn diễn ra phổ biến tại các huyện: Thường Tín, Phú Xuyên, Mỹ Đức… Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt tại một số địa phương khu vực phía Tây Hà Nội như Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ… vẫn rất trầm trọng, nhất là vào những tháng cao điểm mùa khô.

Lê Tâm


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng định hướng cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2016 – 2020