Xây dựng nông thôn mới thân thiện bảo vệ môi trường

Tú Anh (T/h)|17/07/2019 08:03
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Các giải pháp nhằm xây dựng nông thôn mới thân thiện với môi trường: thu gom rác thải thường xuyên, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân…

Chiều 16-7, tại thành phố Nam Định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Nam Định tổ chức hội thảo với chủ đề “Lý luận và thực tiễn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Việt Nam”.

Cảnh quan, môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM) được đánh giá thông qua 8 chỉ tiêu thuộc “tiêu chí số 17 – Môi trường và an toàn thực phẩm”. Trong 10 năm, chương trình xây dựng nông mới đã đạt được những kết quả nhất định. Đường làng, ngõ xóm ở nhiều địa phương như: Nam Định, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Đồng Nai đã được trồng hoa, tạo cảnh quan đẹp. Về nước sạch sinh hoạt ở các vùng nông thôn, cụ thể là tỉ lệ số hộ dân có nguồn nước hợp vệ sinh ở nông thôn trên toàn quốc đạt 90,8%; trong đó có 2 vùng đạt dưới 90% là vùng Trung du và miền núi phía Bắc (đạt 81,3%) và Tây Nguyên (đạt 87,5%).

Xây dựng nông thôn thân thiện với môi trường là 1 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của người nông dân. Tuy vậy, tại nhiều địa phương, tiêu chí này vẫn chưa được thật sự quan tâm.

Tại nhiều nơi, người dân nông thôn vẫn không có thói quen gom rác lại để xử lý. Chất thải chăn nuôi bị đẩy ra cống rãnh. Cùng với hệ thống nhà vệ sinh tự hoại, nước thải sinh hoạt cũng chảy theo ra cống rãnh gây ô nhiễm nguồn nước mặt, ao hồ, lâu dần ngấm xuống làm ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Rác thải sau khi thu gom chưa được xử lý đúng cách, mới chỉ dừng lại ở việc đốt rác, gây ô nhiễm không khí. Vẫn còn một lượng không nhỏ các loại vỏ lọ hóa chất thuốc bảo vệ thực vật bị vứt ngoài bãi rác, mà chưa có cách gì để xử lý triệt để.

 Tại các làng nghề ở nông thôn, nguồn nước thải chưa được xử lý vẫn xả ra môi trường, gây ô nhiễm không chỉ khu vực làng nghề mà còn ảnh hưởng nhiều đến các làng xung quanh. Rồi theo dòng chảy tự nhiên đem ô nhiễm đi rất xa, ảnh hưởng cả một vùng. Đó là chưa kể đến thói quen thả rông trâu bò, chó… và chất thải của các động vật này vẫn còn nhiều ở ngoài đường, trong các khu vực công cộng…

TP Nam Định hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh các kết quả đạt được đối với tiêu chí 17 mà đặc biệt là hơn 4 nghìn xã đã đạt chuẩn NTM, thì cảnh quan và môi trường nông thôn đang nổi cộm rất nhiều vấn đề. Tiêu chí 17 cũng là tiêu chí thách thức đối với rất nhiều địa phương trên toàn quốc. Các vấn đề nổi cộm về môi trường nông thôn như: Rác thải sinh hoạt; nước thải sinh hoạt và chăn nuôi; bao bì hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV); các loại ô nhiễm từ làng nghề, các hoạt động tiểu thủ công nghiệp và cụm công nghiệp tại các vùng nông thôn…cần được xử lý, giải quyết mới có thể nâng cao chất lượng cuộc sống thực sự ở nông thôn.

Để khắc phục tình trạng này, chính quyền địa phương cần đề ra một số biện pháp, như: Đưa việc này vào hương ước làng xã, vào tiêu chuẩn đánh giá Gia đình văn hóa; Cho các gia đình ký cam kết không thả rông chó mèo, súc vật nuôi ra đường, không để rác bừa bãi hoặc ô nhiễm quanh khu vực gia đình cư trú; Lập tổ giám sát môi trường của từng xóm đi kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên; Cử một đội thu gom rác thải (một cụm dân cư khoảng 4 người – thu nhập của họ do các gia đình đóng góp theo nhân khẩu, mỗi tháng khoảng 3 – 4 nghìn đồng/1 khẩu); Đảm bảo việc thu gom rác hàng ngày không bị ứ đọng dẫn đến phân hủy, hôi thối, rác thải sau khi được gom lại ở điểm tập kết sẽ có xe của Công ty Môi trường về thu gom vào một giờ nhất định hàng ngày; Khuyến khích người dân xây dựng hệ thống hầm khí biogas để tận dụng nguồn phân gia súc gia cầm, chất thải sinh hoạt hữu cơ; Cho xây những chiếc bể giữa đồng rau để bà con tập kết vỏ lọ, bao gói thuốc bảo vệ thực vật, sau đó tiến hành thu gom định kỳ và xử lý riêng …

Vì môi trường, bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền địa phương, rất cần ý thức tự giác của chính bà con nông dân trong việc: thu gom rác thải; tránh để rác bừa bãi hoặc ô nhiễm quanh khu vực gia đình cư trú; không thả rông chó mèo; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, ngưng trước khi thu hái theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, vỏ lọ, bao gói thuốc cần được thu gom tập kết vào một nơi quy định…

Các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng công tác xây dựng NTM trong 10 năm qua tập trung quá nhiều vào việc phát triển cơ ở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm mà còn coi nhẹ vấn đề cảnh quan, môi trường – yếu tố cốt lõi của chất lượng sự sống. Do vậy, xây dựng NTM trong giai đoạn tiếp theo phải lấy “cảnh quan, môi trường” làm nền tảng với thông điệp: “Bảo vệ cảnh quan, môi trường và tài nguyên tự nhiên để xây dựng NTM”.

Tú Anh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nông thôn mới thân thiện bảo vệ môi trường