Xóm hầm than “đợi” dự án xử lý khí thải

01/03/2017 07:49
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Các lò hầm than củi tuy đem lại công ăn việc làm và cải thiện đời sống cho người dân, tuy nhiên đây lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường bởi khí thải độc hại.

Thu nhập 300.000 đồng/ngày nhờ hầm than củi

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có khoảng 1.000 lò hầm than củi phân bố chủ yếu ở xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách. Với tỉnh Hậu Giang, hiện tại cũng có khoảng 800 lò than tập trung ở xã Đại Thành, xã Tân Thành (TX. Ngã Bảy); xã Phú Tân ( huyện Châu Thành).

Hoạt động của các lò than củi dù có lợi nhuận không cao nhưng cũng đem lại thu nhập ổn định cho bà con. Trung bình mỗi lò sản xuất ra 10 tấn than/lần đốt, lợi nhuận thu về khoảng 10 triệu đồng/45 ngày.

article31396

Lò than củi mang lại thu nhập từ 200.000 -300.000 đồng

Không chỉ mang lại lợi ích cho người sản xuất, nghề làm than củi còn giải quyết một lượng lao động nhàn rỗi địa phương. Thông thường, mỗi lò than cần trên dưới 10 lao động, từ khâu khuân vác củi, than thành phẩm, chất củi vào lò, lấy than ra lò…  Trung bình, mỗi ngày công người lao động thu về từ 200.000 -300.000 đồng. Việc làm cũng thường xuyên nên nhiều hộ không có đất và vốn sản xuất cũng có thể sống được với nghề làm thuê này.

Ông Huỳnh Văn Luận – Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hòa chia sẻ với báo chí: “Toàn xã có 742 lò hầm than, tập trung chủ yếu ở 2 ấp Hòa Thành và Hòa Lộc. Xóm hầm than Xuân Hòa có từ trước năm 1975, lúc đó chỉ lác đác vài hộ làm thôi, thấy có ăn nên nhiều lò than mọc lên và phát triển nhất là khoảng 10 năm trở lại đây, chủ lò có nhiều hợp đồng với số lượng lớn thì số lò than tăng lên gấp 3 – 4 lần, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Cũng nhờ các hầm than này mà đời sống bà con trong vùng trở nên khá giả”.

Cây ăn quả mất mùa vì khí bụi lò than

Nhiều hộ dân trồng cây ăn trái nơi đây phản ánh, hằng ngày, khói bụi từ các lò hầm than bay ra mù mịt cả vùng, hủy hoại rau màu, cây xanh trong vườn khiến không ít vườn cây ăn trái bị khói, bụi lò than tàn phá, gây thiệt hại hàng chục triệu đồng trên mỗi ha cây trồng.

Người trồng cam ở những khu vực cho hay, cây trồng không lớn nổi, toàn thân cây và trái đen sì vì khói bụi nên không ai mua. Cây cam nào trồng lâu năm thì trái chỉ đậu chừng 50%, dù ra hoa nhiều nhưng bụi than bám nhiều quá, dễ bị rụng. Nếu có trái thì teo tóp, bên ngoài đóng một lớp bụi than đen.

Xã Xuân Hòa là vùng đất trồng cây ăn trái nhưng nhiều năm nay khói bụi tràn lan, cây trồng không phát triển được. Đã có nhiều lần người dân phản ánh nhưng địa phương chưa giải quyết được vì đây là làng nghề truyền thống, không bắt họ bỏ được, chỉ cấm xây thêm lò nhưng nhiều hộ vẫn lén lút xây.

147987319083075-1434408950-kziwanh_4_zdrz

Vườn cam của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi bụi khí thải

Theo Thanh Niên, ông Nguyễn Tấn Trung, Trưởng phòng TN-MT H.Châu Thành, Sóc Trăng cho rằng muốn khắc phục tình trạng trên cần phải xây dựng mô hình xử lý khí lò đốt than củi hoạt động dựa trên phương pháp hấp thụ. Khí thải từ các lò đốt than sẽ đi qua hệ thống thu gom đến tháp lắng bụi và tháp hấp thụ. Tại đây, khí thải sẽ được xử lý và khí thải sạch được thải ra môi trường theo đường ống khói. Mô hình đang được thử nghiệm tại một số lò than trên địa bàn tỉnh và chờ kết quả để triển khai, nhân rộng.

Trước đó, làng nghề hầm than tại xã Xuân Hòa được ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng quy hoạch thành làng nghề truyền thống, song hành với đó là giải pháp lắp đặt trên 730 hệ thống xử lý khí thải, công suất 150 m3/ngày/hệ thống, thế nhưng đến nay dự án vẫn “trên giấy” vì chưa có kinh phí.

Còn tại Sóc Trăng, Bà Trịnh Thị Ngọc Diễm, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TX. Ngã Bảy cho hay, vào năm 2014 thị xã đã lập xong dự án hỗ trợ 27 hộ dân có lò hầm than củi ở xã Đại Thành, trong 27 chủ lò này đa số mong muốn được tỉnh hỗ trợ vốn để chuyển đổi sang làm nghề khác. Theo kế hoạch của thị xã thì khi dự án hỗ trợ xử lý khí thải lò hầm than được phê duyệt và triển khai thực hiện xong, thì tiếp tục xin UBND tỉnh cho mở rộng phạm vi của dự án này ra hơn 200 lò hầm than củi đang hoạt động tại xã Tân Thành. Nhưng đến nay dự án chưa được tỉnh Hậu Giang phê duyệt, khiến cho công tác khắc phục ô nhiễm môi trường tại các lò hầm than xã Đại Thành, Tân Thành chưa thể thực hiện được.

Khánh Thu


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xóm hầm than “đợi” dự án xử lý khí thải