Xu hướng “cách mạng xanh” trong xây dựng bắt đầu từ “vật liệu xanh”

Đình Sơn|28/08/2017 04:06
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Phát triển vật liệu không nung giúp giảm ô nhiễm môi trường và phát triển kinh tế bền vững

(Moitruong.net.vn) – Ngoài việc chọn lựa đất xanh, cây xanh… thì “vật liệu xanh” , thân thiện với môi trường cũng là một tiêu chí rất quan trọng trong cuộc “Cách mạng xanh” trong  xây dựng.

Xây dựng xanh, hay còn gọi là xây dựng phát triển bền vững là xu hướng tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu. Những công trình cả vòng đời sử dụng, tiêu thụ tài nguyên (năng lượng, nước, vật liệu xây dựng) một cách hiệu quả nhằm đảm bảo tiện nghi cho người sử dụng công trình, đồng thời giảm tối thiểu các tác động đến môi trường được gọi là công trình xanh.

Theo các chuyên gia, các công trình xây dựng trên thế giới tiêu thụ khoảng 17% lượng nước sạch, 25% khối lượng gỗ từ rừng, gây ra 35% tổng lượng phát thải cacbon trong quá trình xây dựng và vận hành. Ngoài ra, ngành sản xuất vật liệu xây dựng cũng gây ra các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường qua việc tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn khai thác nguyên liệu đến khâu xử lý nguyên liệu và sản xuất các vật liệu thành phẩm. Những loại vật liệu xây dựng phổ biến như xi măng, thép, kính … cũng tiêu thụ rất nhiều năng lượng và tác động không nhỏ đến môi trường. Xu hướng đã và đang được ngành xây dựng thế giới và trong nước là sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường bằng vật liệu mới, công nghệ mới.

Tại Việt Nam, bước đi đầu tiên mà Chính phủ hướng tới trong việc sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện môi trường là sử dụng gạch không nung, giảm dần sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Theo dự báo, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng ở nước ta vào năm 2020 là 33 tỷ viên. Như vậy, đến năm 2020, mỗi năm chúng ta phải tiêu tốn 50 triệu m3 đất sét (tương đương 2.500 ha đất khai thác ở độ sâu 2m), 5 triệu tấn than và thải ra môi trường 19 triệu tấn CO2 gây ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính.

Theo quy hoạch điện 7, việc phát triển  các nhà máy nhiệt điện đến năm 2020, mỗi năm sẽ thải ra khoảng 30 – 40 triệu tấn tro xỉ gây ô nhiễm môi trường. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào cho vật liệu không nung (VLKN). Vì vậy, việc phát triển sản xuất VLKN từng bước sử dụng các nguồn phế thải này làm nguyên liệu sẽ giảm ô nhiễm môi trường, tạo ra các sản phẩm xanh.

Chính vì vậy, ngày 28/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 567/QĐ – TTg ban hành Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung. Mục tiêu của Chương trình là phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung để thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường; Giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.

Bên cạnh việc sản xuất ra vật liệu xây dựng không nung thân thiện với môi trường, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã kêu gọi người dân, các chủ thầu công trình sử dụng cát nhân tạo để thay thế cát tự nhiên nhằm giảm tình trạng cạn kiệt nguồn cát xây dựng. So với cát tự nhiên, cát nhân tạo có những ưu điểm lớn như có thể sản xuất ở các khu vực gần địa điểm xây dựng dẫn tới giảm chi phí vận chuyển và đảm bảo nguồn cung phù hợp. Cát nhân tạo cũng có ít tạp chất, hạt dày hơn, có độ bện uốn cao hơn, chống mài mòn tốt hơn, tính thẩm thấu tốt hơn và đặc biệt là thân thiện với môi trường. Tại Việt Nam, nguồn nguyên liệu để sản xuất cát nhân tạo khá dồi dào là đá vôi, đá bazan. Do đó, cát nhân tạo là một lối ra để giảm bớt phụ thuộc vào cát tự nhiên vốn hữu hạn và nếu tận thu thì sẽ gây nhiều hệ lụy tới môi trường.

Việc khuyến kích người dân, doanh nghiệp xử dụng vật liệu xanh trong xây dựng không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sống, tạo không gian xanh – sạch – đẹp mà còn giúp nền kinh tế của đất nước phát triển theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.

Đình Sơn


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xu hướng “cách mạng xanh” trong xây dựng bắt đầu từ “vật liệu xanh”