Xử lý rác thải phát sinh do dịch COVID-19 – Bài 3: Bài toán không dễ dàng

Việt Bắc|04/09/2021 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Lượng rác thải phát sinh trong mùa dịch gia tăng đáng kể; rác y tế từ các bệnh viện, khu cách ly. Giải quyết lượng rác thải này một cách an toàn, không bị ùn ứ đang là vấn đề lớn mà các địa phương phải đối mặt.

Nhân viên y tế thu gom, vận chuyển rác thải tại khu vực cách ly y tế ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Giang

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý rác thải

Thời gian qua, dịch Covid-19 bùng phát khiến TP.HCM phát sinh rất nhiều khu cách ly, khu phong tỏa, do vậy lượng rác thải y tế cũng tăng đột biến. Cụ thể, TP hiện đang có khoảng 280 khu cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến có phát sinh chất thải y tế cần thu gom, xử lý.

Để đảm bảo việc thu gom và xử lý triệt để, không để tình trạng ù ứ, tồn đọng rác thải y tế liên quan đến Covid-19, đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường, TP đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải y tế phát sinh do dịch. Đồng thời, TP cũng đã áp dụng một số giải pháp để giải quyết lượng rác nói trên.

Hiện nay, trên địa bàn TP có bốn đơn vị tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế tại các khu cách ly tập trung và BV dã chiến, bao gồm: Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, Công ty CP Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu, Công ty CP Môi trường Việt Úc và Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh. Tổng công suất xử lý của các đơn vị này là 159 tấn/ngày. Để thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải y tế phát sinh, bốn công ty đã huy động 95 phương tiện thu gom, vận chuyển các loại, với hơn 400 công nhân tham gia thu gom, xử lý.

Sở TN&MT cũng cho biết việc thu gom, vận chuyển luôn đảm bảo toàn bộ khối lượng chất thải phát sinh được thu gom, vận chuyển hết trong ngày, đạt chất lượng vệ sinh và đảm bảo an toàn.

Để thực hiện tốt việc quản lý, giám sát, tiếp nhận thông tin phản ánh kịp thời việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải y tế phát sinh tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly trên địa bàn TP, Sở TN&MT đã xây dựng phần mềm làm công cụ hỗ trợ công tác này. Hiện phần mềm đã hoàn thành, có thể truy cập để sử dụng tại địa chỉ: http://thugomrac-stnmt.tphcm.gov.vn.

Theo Sở TN&MT, phần mềm này cho phép các đơn vị thu gom báo cáo số liệu và gửi hình ảnh tại hiện trường; hỗ trợ việc lập báo cáo khối lượng đã thu gom, gửi hình ảnh, tình hình tại các khu điều trị, khu cách ly, tổng hợp, xuất báo cáo kèm hình ảnh. Đơn vị thu gom có thể báo cáo theo ngày, theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện và TP.

Bên cạnh đó, hệ thống còn hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát việc thu gom rác. Đơn vị được giao kiểm tra, giám sát sẽ thực hiện việc chụp ảnh hiện trường, nhập các ý kiến kiểm tra vào hệ thống. Cơ quan quản lý sẽ nắm bắt tình hình thu gom, hình ảnh hiện trường thông qua phần mềm này.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết đến nay, sở đã tạo lập hai nhóm trao đổi thông tin trên ứng dụng Zalo, gồm: Nhóm quận, huyện (Sở TN&MT, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP) để kịp thời triển khai, trao đổi, ghi nhận, cập nhật các thông tin về công tác quản lý chất thải liên quan đến dịch COVID-19 tại cấp huyện.

Nhóm thứ hai là sở, ngành (Sở TN&MT, Bộ Tư lệnh TP, Sở Y tế, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP) để trao đổi kịp thời các nội dung về công tác phối hợp, kết nối triển khai thu gom, xử lý chất thải tại các khu cách ly tập trung.

“Hiện Sở TN&MT TP đã hình thành các tổ công tác, nhóm công tác thường xuyên liên tục kiểm tra, giám sát từ quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải y tế. Ngoài ra, Sở TN&MT cũng đang vận hành nhiều hệ thống thông minh để thực hiện giám sát công tác này trực tiếp qua hình ảnh”, ông Thắng cho hay.

Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý rác

Theo thống kê từ Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương, hiện nay tổng khối lượng chất thải phát sinh trong hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trung bình khoảng 40 tấn/ngày. Trong đó, chất thải có nguy cơ chứa virus SARS-CoV-2 phát sinh từ các cơ sở điều trị, khu cách ly y tế tập trung là 18-20 tấn/ngày; chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 (được phân loại từ các hộ gia đình nhiễm F0, F1) của các khu phong tỏa là 20 tấn/ngày.

Toàn bộ chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 tại cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến, cơ sở cách ly y tế tập trung, điểm/khu vực phong tỏa trên địa bàn tỉnh hiện nay được thu gom lưu chứa trong các thùng chứa chất thải có thành cứng, có nắp đậy, chịu được va đập để không lây nhiễm. Sau đó, rác thải được Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương sử dụng phương tiện chuyên dụng vận chuyển về Khu liên hợp Xử lý chất thải Nam Bình Dương để xử lý bằng phương pháp thiêu đốt trong lò đốt chất thải y tế, lò đốt chất thải nguy hại theo đúng quy định.

Lượng rác thải phát sinh trong mùa dịch rất lớn, nếu không thực hiện tốt các giải pháp để quản lý sẽ tác động tiêu cực đến môi trường. Ảnh: Anh Tuấn

Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị – Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương cho biết, Công ty là đơn vị đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại, trong đó có xử lý chất thải y tế với cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Công ty đã được đầu tư các máy móc hiện đại, bảo đảm đầy đủ chức năng để tiếp nhận và xử lý các chất thải phát sinh trong hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Công suất tối đa xử lý chất thải y tế, chất thải nguy hại của công ty là 300 tấn/ngày; hiện Công ty đang thu gom, xử lý chất thải từ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh với khối lượng khoảng 40 tấn/ngày, chỉ bằng 13,3% so với năng lực xử lý đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép.

Ông Nguyễn Văn Thiền cho biết thêm, riêng về Chi nhánh xử lý chất thải thuộc công ty có khoảng 800 người lao động. Về khâu xử lý rác, rác được đưa về Công ty đều có những máy móc chuyên dụng, hệ thống dây chuyền tự động tiếp nhận, khử khuẩn xử lý đốt, người lao động không phải đụng tay. Khâu nguy hiểm nhất ở đây là người lao động phải đi thu gom rác. Vì vậy, ngoài việc cung cấp đồ bảo hộ thường xuyên, tổ chức “3 tại chỗ”, Công ty còn định kỳ kiểm tra SARS-CoV-2, khử khuẩn khu vực làm việc và nơi ở cho người lao động 3 lần/ngày.

Đảm bảo khoảng cách thu gom ngắn nhất

Những ngày qua, việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tại các khu vực cách ly tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng được triển khai nghiêm ngặt theo quy trình, đảm bảo an toàn, không để phát tán mầm bệnh ra môi trường.

Sở TN&MT TP Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo phòng, ban chuyên môn tăng cường hướng dẫn các khu cách ly tập trung, người cách ly y tế tại nhà nghiêm túc thực hiện phân loại chất thải triệt để, xử lý các loại chất thải phát sinh theo đúng quy định.

Sở cũng yêu cầu các khu cách ly tập trung phải chuyển giao chất thải nguy hại lây nhiễm cho cơ sở xử lý; phối hợp với cơ sở xử lý chất thải lập phương án cụ thể về số lượng phát sinh, địa điểm phát sinh để có phương án thu gom, vận chuyển đảm bảo về thời gian, tuyến đường vận chuyển, tránh phát sinh dịch.

Công ty cổ phần Vật tư thiết bị môi trường 13 (Urenco 13) là 1 trong 2 đơn vị được UBND thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn Thủ đô. Theo đại diện công ty, quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý được thực hiện nghiêm ngặt, bảo đảm an toàn theo đúng quy định của cơ quan quản lý nhà nước, hướng dẫn của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để góp phần nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý rác thải, nhất là rác thải y tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan, đơn vị chức năng thì mỗi người dân cần tiếp tục tuân thủ các khuyến cáo của ngành Y tế về chăm sóc sức khỏe, chú trọng thực hiện “5K”, sử dụng và thải bỏ khẩu trang đúng cách để ngăn chặn các nguy cơ phát sinh dịch bệnh trong cộng đồng, bảo vệ môi trường.

Việt Bắc

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý rác thải phát sinh do dịch COVID-19 – Bài 3: Bài toán không dễ dàng