Xử lý rác thải tại Việt Nam: Công nghệ nước ngoài cũng “gặp khó”

Thế Đoàn|17/11/2020 09:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Đây là một trong những vấn đề được các đại biểu nêu ra trong Tọa đàm “Đốt rác phát điện – Những vấn đề đặt ra, các phương án lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức ngày 17/11 tại Hà Nội.

Tọa đàm có sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà sáng chế và các doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực bảo vệ môi trường, xử lý chất thải rắn tại nước ta nhằm tìm ra lời giải khách quan, thỏa đáng để xử lý vấn đề này.

Theo các đại biểu tham gia tòa đàm, trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng lên, và lượng rác thải sinh hoạt bình quân đầu người cũng tăng dần theo tỷ lệ thuận với mức thu nhập tăng lên của dân cư, việc xử lý chất thải rắn nói chung và rác thải sinh hoạt nói riêng ngày càng trở nên bức thiết, cần phải có giải pháp khoa học và công nghệ phù hợp.

Tọa đàm “Đốt rác phát điện – Những vấn đề đặt ra, các phương án lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn”

Tại Việt Nam, nhiều công nghệ trong nước và nước ngoài đã được ứng dụng, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có công nghệ xử lý rác thải nào được công nhận tính hiệu quả thật sự để đảm bảo việc bảo vệ môi trường. Nguyên nhân chính được các đại biểu đưa ra là do rác thải nói chung, đặc biệt là rác thải sinh hoạt tại Việt Nam không được phân loại đầu nguồn nên các công nghệ đã thành công tại các quốc gia trên thế giới, kể cả các quốc gia đã phát triển như Nhật Bản, các nước Châu Âu và Mỹ đều đã được đưa vào Việt Nam qua các dự án sử dụng vốn thương mại và ODA, nhưng cho đến nay đều thất bại.

Mấu chốt của vấn đề là tìm được công nghệ phù hợp với đặc điểm của rác không phân loại đầu nguồn của Việt Nam, giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải và phù hợp với khả năng chi trả của nền kinh tế, thì mới được coi là công nghệ tối ưu.

Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ – Nguyên giảng viên Khoa Môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Hiện nay, các công nghệ xử lý rác thải như chôn lấp, đốt thiêu hủy không còn phù hợp ở các đô thị, bởi lượng rác thải ra môi trường là quá lớn. Công nghệ Khí hóa đang có những ưu điểm như không cần tách loại rác thải đầu nguồn, không có nước thải, không có tro bay,… Công nghệ này đang được doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, đánh giá các tác động đến môi trường để đề xuất áp dụng vào Việt Nam cho hiệu quả.

Trao đổi tại tọa đàm, PGS.TS Trương Duy Nghĩa – Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cho rằng: Để đảm bảo các công nghệ xử lý rác thải không gây ảnh hưởng đến môi trường thì công nghệ đó phải khống chế được các loại khí thải độc hại. Nơi nhận rác bắt buộc phải phân loại trước khi đưa vào lò đốt. Cần có các lò đốt rác thải công nghiệp riêng, không nên đốt chung với rác thải sinh hoạt. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải có biện pháp tổng thể để quản lý, kiểm tra, xem xét tác động của khí thải lò đốt đến môi trường.

Các đại biểu tham dự tọa đàm đã cùng nhau phân tích những ưu, nhược điểm của các công nghệ xử lý rác thải rắn

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu tham dự đã được tiếp cận với thông tin về xu thế công nghệ xử lý chất thải rắn trên thế giới, trong đó có công nghệ khí hóa chất thải rắn. Đặc biệt, các đại biểu đã nắm bắt thông tin mới nhất về tình hình triển khai dự án thực nghiệm công nghệ xử lý chất thải rắn bằng phương pháp khí hóa hoàn toàn do Việt Nam làm chủ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 169/TB – VPCP ngày 30/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi thăm và làm việc tại nhà máy điện rác khu công nghiệp Đồng Văn 1, huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam.

Thế Đoàn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý rác thải tại Việt Nam: Công nghệ nước ngoài cũng “gặp khó”