Bộ Công Thương lên tiếng về việc Nhà máy Dệt kim Đông Xuân gây ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 04:00, 02/08/2018
(Moitruong.net.vn) – Trước tình trạng Nhà máy Dệt kim Đông Xuân (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) trong quá trình hoạt động đã xả khói và vụn vải gây ô nhiễm môi trường, trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018 diễn ra vào chiều qua (1/8), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã lên tiếng về vấn đề này.
Hình ảnh Nhà máy Dệt kim Đông Xuân gây ô nhiễm môi trường
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: “Chúng tôi khẳng định nhất quán chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là chúng ta không thể đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Tuy nhiên với các bước đi như thế nào, lộ trình ra sao thì phải phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam”.
Cũng theo Thứ trưởng Hải, trước đây Nhà máy Dệt kim Đông Xuân có trụ sở chính tại phố Nguyễn Công Trứ, Hoà Mã và đã phải chuyển một lần. Hiện giờ chuyển về địa điểm thuộc phường Vĩnh Tuy và Minh Khai. Cách đây gần 10 năm thì chưa thấy có sự việc gì, nhưng gần đây, khi yêu cầu cuộc sống, dân trí và môi trường đã khác trước, người dân ở hai phường đã có phản ánh đến các cấp, các ngành, đặc biệt là các cơ quan quản lý về môi trường, các cơ quan chính quyền các cấp của TP. Hà Nội.
“Về phía Bộ Công Thương, chúng tôi khẳng định, chắc chắn chúng tôi ủng hộ việc tiếp tục di dời các nhà máy ra khỏi các vùng dân cư. Quan điểm là không lấy kinh tế đánh đổi môi trường”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Ngoài ra, trong buổi họp báo, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cung cấp thêm thông tin rằng với Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Nhà máy Dệt kim Đông Xuân chỉ là một thành viên, hiện nay Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã cổ phần hoá, Nhà nước hiện chỉ chiếm 53% và sắp tới trong kế hoạch của năm 2018 chỉ còn nắm rất ít. Các doanh nghiệp đều phải tuân thủ quy định của pháp luật, trong đó có quy định về môi trường và các quy định khác hiện hành.
“Chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo Hội đồng quản trị, Ban điều hành của Tập đoàn Dệt May Việt Nam có ý kiến với Công ty Dệt kim Đông Xuân tuân thủ các quy định của pháp luật và quan trọng nhất là bảo vệ được môi trường, đặc biệt là phải phù hợp với điều kiện thực tiễn bởi nhà máy này có số lượng công nhân rất lớn và hiện nay đang hoạt động hiệu quả, mang lại hiệu quả trước hết là cho Tập đoàn Dệt May Việt Nam và qua đó góp phần vào sự phát triển của kinh tế đất nước, đảm bảo công ăn việc làm cho rất nhiều công nhân. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ kiên quyết và nhắc nhở để doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết.
Minh Nghĩa (T/h)