Nghệ An: Dân khổ sở vì Khu liên hợp chất thải rắn Nghi Yên gây ô nhiễm môi trường

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 10:12, 24/08/2018

Cửa Lò (Nghệ An): Những “vết xước” của bức tranh du lịch biển

(Moitruong.net.vn) –  Dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên (xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) được xây dựng nhằm thay thế bãi rác cũ tại xã Hưng Đông (TP. Vinh) đã quá tải và bị đóng cửa. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, những năm qua, tình trạng ô nhiễm môi trường sống xung quanh Khu liên hợp xử lý chất thải rắn này không những không giảm mà ngày càng nghiêm trọng.

Ống khói của Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên xả ra môi trường

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên xả thải trộm ra sông Cấm

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên được đầu tư gần 100 tỉ đồng trên tổng diện tích 53ha, đi vào hoạt động từ tháng 9/2011 trực tiếp thu nạp, xử lý rác thải toàn khu vực thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, thị trấn Quán Hành và một phần của các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn. Dự án do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Nghệ An khai thác và quản lý, với công suất xử lý rác thải rắn gần 300 tấn/ngày.

Theo phản ánh của người dân xóm Cửa Khe (xóm 4, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc), những năm qua, tình trạng ô nhiễm môi trường sống xung quanh Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên không những không giảm mà ngày càng nghiêm trọng.

Hàng ngày, họ bị “tra tấn” bởi khói bụi, mùi xú uế từ rác thải khiến cuộc sống nơi đây bị đảo lộn, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân. Nhất là những ngày trời mưa lớn, nước từ bãi rác chảy tràn ra các mương dân sinh làm cá chết hàng loạt.

“Không những hôi thối, ngột ngạt mà ruồi muỗi thì nhiều như có dịch bệnh vậy. Thậm chí ăn cơm cũng không thể ăn nổi vì cứ dọn cơm ra là ruồi, nhặng xanh bâu kín mâm, nhiều gia đình đành phải căng màn lên, bật quạt thật lớn rồi chui vào trong màn ăn cơm để đỡ ruồi”, một người dân sống tại xã Nghi Yên phản ánh.

Hố ga đấu nối với đường ống xả nước thải bẩn vào sông Cấm

Anh Hoàng Văn Hà (trú tại xóm Tân Sơn, xã Nghi Yên) cũng bức xúc: “Hiện có 3 vấn đề nổi lên nhà báo à. Thứ nhất là mùi hôi thối gây ô nhiễm không khí không thể chịu nổi, nhất là vào các buổi chiều và tối trong ngày. Thứ hai là khói đốt rác có mùi rất hắc, sốc và nó khuếch tán trong không khí khiến người dân chúng tôi ngạt thở. Thứ ba là nước thải của rác. Cụ thể là việc xử lý rác thải rắn và chôn lấp rồi nước trong rác chảy ra thấm vào nước ngầm”.

Điều khiến anh Hà lo lắng nhất đó là khu xử lý rác cho lắp đặt đường ống ngầm sát đáy sông rồi xả trực tiếp nước thải đen ngòm xuống dòng sông Cấm. Việc lắp đặt như vậy ít nhiều ảnh hưởng đến kênh nhà Lê, dòng kênh đã trở thành Di tích lịch sử được Nhà nước công nhận. Trong khi đó nước ngọt kênh nhà Lê được người dân dùng trong sinh hoạt thường ngày như tắm giặt…

“Sở dĩ tôi phát hiện nhà máy xả nước thải trực tiếp xuống sông là do trong cơn bão số 4 vừa qua, kênh nhà Lê xả cạn nước nên chúng tôi mới nhìn thấy đường ống dẫn nước thải của nhà máy lòi ra và đang xả nước nổi bọt đen sì. Khi dòng sông đầy nước, đường ống chìm dưới  lòng sông, lúc đó nếu nhà máy xả nước thải cũng không ai phát hiện được”, anh Hà cho biết.

Anh Hà cho biết thêm: “Nhà gần bãi rác nên tôi bị tra tấn bởi mùi hôi thối do nước rỉ rác chảy từ nhà máy ra ngoài. Khói bụi và mùi khét từ khói thải của nhà máy xử lý chất thải rắn khiến cuộc sống người dân trở nên rất ngột ngạt. Đặc biệt, mùi hôi thối trong quá trình xe vận chuyển rác vào bãi cũng khiến cho nhiều hộ dân bức xúc. Nhất là mỗi lúc trời có gió, mùi hôi bốc lên nồng nặc, khói bụi có mùi khét lẹt bao trùm cả khu vực rất ngạt thở, sức khỏe nhân dân bị ảnh hưởng nhiều, các bệnh về đường hô hấp tăng cao”.

Anh Nguyễn Văn Tam (trú tại xóm 4, xã Nghi Yên) cũng chia sẻ: “Khi xe ô tô đi vào bãi đổ rác xong, họ lái xe trở ra mà không rửa xe nên mang theo  nước bẩn từ trên sàn và thành xe chảy tràn xuống mặt đường, nhất là đoạn ngã ba giao nhau với quốc lộ 1A gây nên mùi tanh tưởi, hôi thối rất khó chịu. Rác được xe tải chở về đổ xuống hố, nước rỉ vào hố ga, qua nhiều hố như vậy là thấm xuống đất rồi chảy thẳng ra môi trường”.

Cổng vào Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên

Khu xử lý chất thải rắn biến thành bãi chôn lấp rác

Ông Đậu Trần Lượng, Bí thư chi bộ xóm Tân Sơn, một trong những xóm bị ô nhiễm nặng nề chia sẻ với phóng viên: “Địa phương ô nhiễm nặng nề vì họ đốt rác liên tục trong ngày, mỗi lần đốt rác thì khói sà xuống, ảnh hưởng đến môi trường rất độc hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân. Bên cạnh khói độc, còn có nước thải bẩn họ xả thẳng ra sông Cấm, chảy về biển Cửa Lò”.

Để có thông tin đa chiều về sự ô nhiễm của khu xử lý rác Nghi Yên, phóng viên Moitruong.net.vn đã có buổi làm việc với , Chủ tịch UBND xã Nghi Yên và bà Võ Thị Hồng Thu, công chức địa chính môi trường xã.

Ông Thành thừa nhận: “Việc ô nhiễm của bãi chôn lấp rác này là có và đúng như người dân phản ánh. Ngay từ đầu, chính quyền và nhân dân địa phương không ai nhất trí xây dựng khu xử lý chất thải rắn ở đây. Lúc mới xây dựng có chức năng là Khu liên hợp xử lý chất thải rắn, trong quá trình xây dựng không hiểu sao giờ lại trở thành bãi chôn lấp rác. Khi mới hoạt động, mặc dù có ô nhiễm nhưng còn đỡ, còn hiện giờ thì môi trường bị ô nhiễm nặng nề”.

Ông Trần Công Thành – Chủ tịch UBND xã Nghi Yên (bên phải) làm việc với phóng viên Moitruong.net.vn

“Trong cơn bão số 4 vừa qua, người dân địa phương đã phát hiện được nước thải bẩn chảy theo đường ống xả ra dòng sông Cấm, họ đã quay được video clip và chúng tôi đã xem. Bằng cảm quan mắt thường, với dòng nước đen đục như thế, chúng tôi khẳng định nước thải ra môi trường chắc chắn chưa đạt tiêu chuẩn về xử lý nước thải. Vừa rồi lại xây dựng thêm nhà máy đốt rác, khói thải ra nhiều, bán kính vươn xa hơn 2 km gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống nhân dân, nên nhân dân phản ánh rất nhiều”, ông Thành cho biết thêm.

Được biết, với vai trò quản lý nhà nước, hàng năm xã Nghi Yên thành lập một tổ giám sát, kiểm tra vụ việc xử lý chôn lấp rác, xịt thuốc phòng dịch trên địa bàn địa phương. Khi phát hiện ô nhiễm, xã đã kịp thời báo cáo lên cấp trên.

Trước thực trạng ô nhiễm nặng nề nói trên, dư luận đặt câu hỏi, liệu các cơ quan chuyên môn về vệ sinh môi trường của địa phương, của tỉnh có thực sự vì dân khi mỗi lần tới thanh tra, kiểm tra bãi chôn lấp rác thải này? Và trách nhiệm của các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đến đâu trong vụ việc này?

Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trong những bài viết tiếp theo.

Kế Hùng

Kế Hùng