Hà Nội xếp thứ 2 về ô nhiễm không khí tại Đông Nam Á
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 12:30, 20/09/2018
(Moitruong.net.vn) – Hiện nay, ô nhiễm khói bụi là vấn đề khó giải quyết tại các đô thị lớn, nhất là các đô thị đang mở rộng. Ô nhiễm không khí được xem là nguyên nhân gây bệnh tật và tử vong sớm trên toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh ô nhiễm khói bụi ở các đô thị trở nên đáng báo động.
>>Thu gom rác điện tử – cách làm tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên
>>Hoàng Mai, Hà Nội: Dân khổ sở khi đi qua con đường lầy lội
Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã và đang phải chống chọi với tình trạng ô nhiễm khói bụi đô thị ở mức báo động màu cam (mức độ ô nhiễm cao). Chỉ trong tháng 3 đầu năm nay cảnh báo màu cam được thông báo 2 lần. Cảnh báo này cho biết khói bụi đã làm giảm tầm nhìn xuống dưới 1,24 dặm và độ ẩm tương đối ít hơn 80%, nồng độ bụi trong không khí PM2.5 đạt từ 500-700µg/m³. Người dân Bắc Kinh được khuyến cáo nên tránh các hoạt động ngoài trời để đảm bảo sức khỏe. Dự báo thời tiết Bắc Kinh cho thấy ô nhiễm leo thang với mức độ nhanh từ ô nhiễm nhẹ ở mức 3 trong vòng 3 ngày liên tiếp đã tăng lên ô nhiễm nặng ở mức 5. Bắc Kinh trở thành thủ đô ô nhiễm hàng đầu thế giới. Vào đầu năm 2017, 9 tỉnh và thành phố lớn ở miền Bắc và miền Trung Trung Quốc chìm trong khói bụi ô nhiễm. Ô nhiễm không khí đã khiến giao thông ùn tắc nhiều ngày, nhiều tuyến đường bị đóng cửa do khói bụi dày đặc làm giảm tầm nhìn, nhiều chuyến bay đã bị hủy. Trung Quốc rơi vào cảnh “ngày cũng như đêm”.
Khói bụi tại Bắc Kinh
Cũng như Trung Quốc, Philippines cũng phải đối mặt với những thách thức từ ô nhiễm khói bụi tại các thành phố lớn trong đó có thủ đô Manila. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ô nhiễm không khí tại Manila là do khí thải, khói bụi từ các phương tiện giao thông, chiếm 80% nguồn gây ô nhiễm.
Quốc gia đông dân khác ở châu Á là Ấn Độ cũng có 2 thành phố là New Delhi và Varanasi nằm trong số 14 thành phố của quốc gia này có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất thế giới xét về lượng hạt bụi PM2.5. Hơn 2 thập kỷ qua, nền kinh tế Ấn Độ tăng trưởng với tốc độ cao, song hành với đó là mức độ ô nhiễm do khói bụi cũng tăng đột biến.
Có thể nói, nhiều quốc gia châu Á đã phải “trả giá đắt” cho việc tăng trưởng kinh tế nhanh, đô thị hóa với tốc độ cao đó là tình trạng ô nhiễm khói bụi nghiêm trọng. Các quốc gia này đã đưa ra nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng này, tuy nhiên hiệu quả vẫn còn rất thấp.
Biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí
Để giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các khu đô thị, các nước Châu Á đã áp dụng nhiều biện pháp, tuy nhiên hiệu quả chưa cao.
Ở Trung Quốc, một giải pháp cho vấn đề ô nhiễm khói bụi đã được sử dụng tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Một tháp thanh lọc không khí cao 100m đã được xây dựng và đã có hiệu quả trong việc cải thiện chất lượng không khí cho diện tích 10km2. Hệ thống này hoạt động bằng cách hút không khí vào chân tháp, không khí sau đó được làm nóng sẽ đi qua nhiều lớp lọc để làm sạch trước khi được phát ra ngoài ở đỉnh tháp. Nếu được xây dựng đầy đủ tòa tháp sẽ có độ cao 500m với đường kính 200m và có khả năng lọc không khí cho diện tích 30km2. Điều đó có nghĩa là sẽ có không khí sạch đủ cung cấp cho một thành phố nhỏ.
Chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra nhiều biện pháp đối phó tạm thời và cấp bách, như tạm ngưng hoặc giảm bớt một số nhà máy, hạn chế số xe hơi lưu thông trên đường trong thời gian nhất định, đồng thời, tăng cường hệ thống chuyên chở công cộng, trong đó có hệ thống tàu điện ngầm, để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; khuyến cáo người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời, học sinh có thể tiếp tục chương trình học thông qua Internet… vào các ngày ô nhiễm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc cần phải đưa ra được các chiến lược lâu dài và có hiệu quả cho việc phát triển bền vững của nền kinh tế nước này. Giải pháp đầu tiên là thay thế than đá bằng các loại khí đốt tự nhiên trong sinh hoạt, cũng như hoạt động thương mại. Nồi hơi và lò đốt sử dụng nhiên liệu là than đá, gỗ, hoặc các chất thải là nguồn phát sinh ô nhiễm lớn, có hại tới sức khỏe và tuổi thọ người dân, đặc biệt là miền Bắc Trung Quốc. Bên cạnh đó Trung Quốc sẽ phải thay thế một số lượng đáng kể nhiệt điện than, đặc biệt là trong hoặc gần khu vực trung tâm dân cư lớn. Một giải pháp khác nhằm giảm tải phát thải từ các phương tiện giao thông là loại bỏ các loại xe cơ giới cũ và gây ô nhiễm cao.
Tại Ấn Độ, các nhà chức trách đã phải giới hạn hoạt động giao thông hoặc xây dựng giảm thiểu khói bụi. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác gây nên tình trạng khói bụi dày đặc tại thủ đô New Delhi đó là việc người dân đốt rơm rạ. Cách duy nhất để tránh đốt rơm rạ là sử dụng loại phế phẩm nông nghiệp này. Khí hóa rơm rạ trong một quá trình gồm 2 giai đoạn để tạo ra một loại khí tự nhiên có thể sử dụng để nấu ăn, sưởi ấm và phát điện.
Vào cuối năm ngoái, Ấn Độ đã thử nghiệm việc sử dụng vòi rồng phun nước ở tốc độ cao 100 lít/phút để chống khói bụi. Vòng rồng có thể gột rửa sạch tới 95% các chất gây ô nhiễm trên không trung. Tuy nhiên, để giải quyết bầu không khí ô nhiễm nghiêm trọng tại New Delhi, thay vào đó phải cần tới 30-40 vòi rồng loại này. Bên cạnh đó, “Súng chống sương”, với thiết kế giống như một máy phun nước dạng sương được đánh giá là một giải pháp hữu hiệu nhằm làm giảm mức độ ô nhiễm hiện nay tại New Delhi. Một biện pháp khác mà chính quyền thủ đô New Delhi đã áp dụng là ban bố tình trạng ô nhiễm khẩn cấp, đình chỉ mọi hoạt động xây dựng, cấm các xe tải và xe cỡ lớn khác vào thành phố. Phí đỗ xe trong nội đô cũng tăng gấp bốn lần.
Tại khu vực Đông Nam Á, thủ đô Manila của Philippines là một trong những nơi có tình trạng ùn tắc giao thông tồi tệ nhất thế giới. Để khắc phục tình trạng này Chính phủ Philippines đã lên kế hoạch xây dựng một thành phố hoàn toàn mới mang tên New Clark để giúp giảm tắc nghẽn và ô nhiễm khói bụi cho Manila. Nằm cách thủ đô nước này khoảng 120km, dự án dự kiến khởi công từ năm 2022 và tiêu tốn khoảng 14 tỷ USD. Để giảm lượng khí thải carbon, 2/3 diện tích New Clark sẽ sử dụng cho đất nông nghiệp, công viên và các không gian xanh khác. Các tòa nhà cũng sẽ tích hợp công nghệ làm giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và nước. Ngoài ra, sẽ chỉ có ô tô chạy bằng điện được lưu thông trên đường phố để giảm phát thải khí CO2. Nằm ở độ cao tối thiểu 56m trên mực nước biển, thành phố sẽ đối diện với nguy cơ lũ lụt thấp hơn.
Vào đầu năm nay thủ đô Bangkok, Thái Lan đã hứng chịu tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Một trong những biện pháp để giải quyết tình trạng ô nhiễm khói bụi do các phương tiện giao thông đó là áp dụng công nghệ bộ chuyển đổi xúc tác. Bộ chuyển đổi xúc tác được gắn vào ống xả của xe giúp chuyển hóa khí độc và chất ô nhiễm trong khói thải thành chất ít độc hại hơn.
Khói bụi gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Hà Nội
Tại Hà Nội, tình trạng ô nhiễm bụi tăng cao vào giờ cao điểm, đặc biệt là các loại bụi nguy hại PM10, bụi PM2.5. WHO đã cảnh báo đó là một trong những rủi ro môi trường nguy hại nhất với sức khỏe của con người, đi thẳng vào nang phổi, gây ra các bệnh về hô hấp, tim mạch…
Các biện pháp để xử lý ô nhiễm khói bụi ở Hà Nội và các thành phố lớn vẫn chưa hiệu quả. Tiến độ di dời những cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội đô còn chậm. Trong khi đó, dân số Hà Nội vẫn tiếp tục tăng mạnh, số phương tiện giao thông cá nhân tăng cao. Cùng với việc trồng 1 triệu cây xanh từ nay đến năm 2020, thì việc HĐND thành phố Hà Nội thông qua Đề án quản lý phương tiện giao thông, phát triển giao thông công cộng. Đây là đề án được các chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá cao vì sẽ “chặn” ô nhiễm từ gốc. Song, có thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào quyết tâm của chính quyền cũng như nỗ lực của người dân.
Hải Hà (TH)