Hưng Yên: “Điểm đen” việc tái chế nhựa không phép gây ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 02:00, 20/09/2018
(Moitruong.net.vn) – Từ nhiều năm qua, đời sống của người dân xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên liên tục bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường do hoạt động của làng nghề sản xuất, tái chế nhựa. Vì lợi ích về kinh tế, nhiều người đã bất chấp quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, mở các xưởng sản xuất tái chế nhựa không phép tại Lạc Đạo mà không đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường và không đủ cơ sở pháp lý để hoạt động.
>>>Nghệ An: Bãi biển ngập ngụa rác thải
>>> Quy Nhơn: Tiến hành nạo vét khu lấn biển
Ảnh minh họa
Có mặt tại “điểm đen” về ô nhiễm môi trường này những hoạt động và việc xả thải, phả khói đen cùng khí độc hại trực tiếp ra môi trường của các cơ sở này. Tại ven bờ sông thủy lợi Điện Biên (thuộc xã Hồng Tiến – Khoái Châu), đây là điểm giáp ranh với xã Xuân Chúc (huyện Ân Thi), có 02 cơ sở tái chế phế thải. Khu vực ven hai bờ sông tập kết rất nhiều các loại phế thải như, dây cao su, túi ni lông… cùng hơn chục công nhân đang miệt mài làm việc. Tất cả đều được vệ sinh qua rồi cho vào lò đốt với các biện pháp thủ công khiến không gian xung quanh bao trùm bầu không khí khét lẹt, ô nhiễm đến khó thở, tức ngực.
Tình trạng ô nhiễm, hủy hoại môi trường, ảnh hưởng sức khỏe nhân dân cứ ngang nhiên diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật nhưng chính quyền địa phương chưa có biện pháp xử lý dứt điểm, khiến người dân nơi đây bức xúc.
Có thể thấy, những sai phạm về xây dựng, về ô nhiễm môi trường tại địa phương này đã “rõ như ban ngày” và kéo dài từ trước năm 2012 đến nay đã đến mức trầm trọng. Trong khi còn chờ bộ máy chính quyền “ổn định” để xử lý dứt điểm vấn nạn này, thì biết bao người dân nơi đây vẫn hàng ngày “gồng mình” để sống chung với ô nhiễm, phải đối mặt với nguy cơ mắc các chứng bệnh nguy hiểm từ khói thải. Đề nghị các ngành chức năng tỉnh Hưng Yên cần có ngay những giải pháp cứng rắn, quyết liệt nhằm xử lý dứt điểm vấn đề này, không làm gia tăng những bức xúc trong nhân dân, thiết lập việc thượng tôn pháp luật trên địa bàn.
Ngô Giang (T/h)