Rà soát và xử lý toàn bộ cơ sở ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 02:30, 25/09/2018
(Moitruong.net.vn) – Ngay trong năm nay, Hà Nội sẽ kiểm tra, rà soát lại toàn bộ danh sách các cơ sở ô nhiễm môi trường, đánh giá mức độ ô nhiễm, xử lý vi phạm và yêu cầu thời hạn khắc phục ô nhiễm. Nếu sau thời hạn, các cơ sở không có giải pháp xử lý ô nhiễm, các sở, ngành sẽ báo cáo, đề xuất phương án đình chỉ hoạt động sản xuất.
>>>Nghệ An yêu cầu nhà máy thủy điện bồi thường, hỗ trợ thiệt hại
>>>Nước thải bốc mùi hôi thối ồ ạt tràn ra biển Nha Trang
Báo cáo kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội – ông Nguyễn Trọng Đông cho biết, thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường trên địa bàn, bước đầu đạt kết quả đáng ghi nhận.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Trong 6 tháng đầu năm 2018, kiểm tra, thanh tra tại 681 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 159 cơ sở với tổng số tiền phạt 5,1 tỷ đồng.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội, tỷ lệ cấp nước sạch khu vực đô thị hiện đạt gần 100%, khu vực nông thôn đạt hơn 52%. Thành phố thường xuyên vận hành có hiệu quả các trạm xử lý nước thải sinh hoạt đô thị đảm bảo chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn.
Đối với nước thải y tế, 45 phòng khám đa khoa khu vực và 34 bệnh viện tư nhân đều có hệ thống xử lý nước thải và đảm bảo đủ tiêu chuẩn về xử lý chất thải lỏng y tế theo quy định, hiện còn 2 bệnh viện thuộc thành phố chưa có hệ thống xử lý chất thải lỏng và 3 bệnh viện tư nhân có hệ thống xử lý chất thải lỏng đã xuống cấp.
Hà Nội cũng đang đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà máy đốt rác phát điện trọng điểm như: Nhà máy điện rác tại khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, 2 nhà máy xử lý chất thải rắn chuyển thành năng lượng khu xử lý rác thải Xuân Sơn. Bên cạnh đó, thành phố đang lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khu xử lý chất thải Đồng Ké (huyện Chương Mỹ).
Cùng với đó, thành phố đã tập trung phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu các nguồn phát sinh và kiểm soát các nguồn khí thải gây ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường không khí; tăng cường quan trắc, giám sát chất lượng môi trường và kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm môi trường; xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường làng nghề và nông thôn; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tăng cường năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân Thủ đô về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên; nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường; tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư và tăng cường xã hội hóa cho công tác bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, thành phố đã triển khai cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm và nạo vét bùn hồ Tây. Việc thực hiện chương trình trồng 1 triệu cây xanh đã thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia tài trợ. Tính đến tháng 8-2018, toàn thành phố đã trồng được 845.400 cây xanh. Ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố từng bước giảm.
Hà Nội đã hoàn thành nghiên cứu và đề xuất xây dựng mạng lưới quan trắc không khí cho thành phố gồm 34-37 trạm; đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động và công bố công khai kết quả quan trắc trên website của UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường. Thành phố cũng thực hiện thành công mô hình “Cánh đồng không đốt rơm rạ” tại xã Thọ Xuân (huyện Đan Phượng) và nhân rộng mô hình này.
Tuy nhiên, việc phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ. Một số đơn vị triển khai các nhiệm vụ, nhất là các dự án đầu tư, còn chậm so với tiến độ thành phố giao. Một số nhiệm vụ, chỉ tiêu của nghị quyết kết quả triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra.
Thời gian tới, thành phố xác định 3 nhóm giải pháp chung, 4 nhóm giải pháp cụ thể tương ứng nhằm xử lý chất thải rắn, ô nhiễm nước và cấp nước sạch, ô nhiễm không khí; di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch. Trong đó, thành phố ưu tiên đẩy nhanh xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch, Kim Ngưu và xây dựng hệ thống thu gom nước thải đưa về hệ thống xử lý trước khi xả vào hai sông trên và các sông Sét, Lừ, Cầu Bây.
Đáng chú ý, ngay trong năm nay, thành phố sẽ kiểm tra, rà soát lại toàn bộ danh sách các cơ sở ô nhiễm môi trường, đánh giá mức độ ô nhiễm, xử lý vi phạm và yêu cầu thời hạn khắc phục ô nhiễm. Nếu sau thời hạn, các cơ sở không có giải pháp xử lý ô nhiễm, các sở, ngành sẽ báo cáo, đề xuất phương án đình chỉ hoạt động sản xuất.
Lan Anh (T/h)