Nghệ An yêu cầu nhà máy thủy điện bồi thường, hỗ trợ thiệt hại
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 11:00, 24/09/2018
(Moitruong.net.vn) – Không ít ý kiến đề nghị các nhà máy thủy điện gây thiệt hại trực tiếp cho người dân và các địa phương, nhất là vùng hạ du phải có phương án bồi thường…
>>> Nước thải bốc mùi hôi thối ồ ạt tràn ra biển Nha Trang
>>>Đà Nẵng: Dân lại chặn đường vào bãi rác Khánh Sơn vì ô nhiễm
Dựa trên cơ sở thực tế, tỉnh Nghệ An yêu cầu các đơn vị này phải chịu trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ thiệt hại…
Tình trạng ngập lụt cục bộ vừa qua xuất phát từ quá trình xả lũ của các nhà máy thủy điện
Từ đầu năm đến nay, Nghệ An là một trong những địa phương phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất. Thiên tai xuất hiện liên miên, lũ chồng lũ đã để lại hậu quả hết sức khó lường, từ miền xuôi kéo lên miền ngược (Nam Đàn, Thanh Chương, Tương Dương, Kỳ Sơn…) phần lớn bị nhấm chìm.
Theo báo cáo thống kê, mưa lũ kéo dài không ngớt khiến nhiều bản làng bị chia cắt cục bộ, hàng chục ngàn nhà dân bị ngập lụt, hư hỏng; nhiều gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; hàng loạt công trình hạ tầng bị sạt lở, hư hỏng nặng… tổng thiệt hại ước tính lên đến trên 786 tỷ đồng.
Liên quan đến vấn đề trên, số đông dư luận, các cơ quan truyền thông, người dân bị ảnh hưởng cũng như lãnh đạo một số đơn vị, địa phương đều chung một nhận định: bên cạnh yếu tố biến đổi khí hậu ngày một rõ rệt thì quá trình xả lũ của các nhà máy thủy điện là nguyên nhân chính.
Không ít ý kiến đề nghị các nhà máy thủy điện gây thiệt hại trực tiếp cho người dân và các địa phương, nhất là vùng hạ du phải có phương án bồi thường (không phải chỉ hỗ trợ) thỏa đáng.
Nhằm giải tỏa băn khoăn, cuối tháng 8/2019 UBND tỉnh Nghệ An đã thành lập tổ kiểm tra, giao cho ông Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chủ trì, phối hợp cùng các ban, ngành liên quan theo dõi, tìm hiểu lịch trình, quy trình vận hành xả lũ của các nhà máy thủy điện, các hồ đập trên địa bàn.
Sau khi kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng kết luận như sau: Trong quá trình điều hành xả lũ, các nhà máy thủy điện có tham gia vào nhiệm vụ cắt lũ cho vùng hạ du, tuy nhiên việc xả lũ cũng gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực khiến nhiều vùng dân cư bị ngập nước, nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở…
Được biết, ban đầu phía Thủy điện Bản Vẽ khăng khăng bảo lưu quan điểm đã tham gia cắt lũ hiệu quả, góp phần hạ đỉnh lũ trong cơn bão số 3 và số 4. Còn đợt thiên tai vào ngày 1/9 sau đó, do nước đã đầy nên đơn vị không thể tiến hành cắt lũ, vì thế lượng nước đổ về bao nhiêu thì nhà máy phải xả ra bấy nhiêu.
Một mực nhấn mạnh “không tăng lưu lượng xả” nên không có trách nhiệm đến việc ngập lụt dưới hạ du. Đoàn kiểm tra của tỉnh cho rằng, đúng là thực tế lưu lượng nước đến bằng lưu lượng nước đi nhưng do dòng chảy của nhà máy nhỏ, co hẹp hơn khiến cho vận tốc dòng chảy lớn hơn, gây xói lở nghiêm trọng vùng hạ du. Việc Thủy điện Bản Vẽ chối bỏ trách nhiệm là không có cơ sở, ngược lại tỉnh yêu cầu đơn vị phải có phương án hỗ trợ đến những hộ dân, các địa phương bị thiệt hại.
Ở một diễn biến khác, tỉnh Nghệ An cũng xác nhận Thủy điện Khe Bố phải tiến hành đền bù thiệt hại sau đợt bão lũ mới đây, nguyên do là phần nước trong cao trình của đơn vị dâng quá mức cho phép sau khi thực hiện xả lũ.
Theo báo Nông nghiệp