58 hãng tàu liên quan đến hàng trăm container phế liệu tồn đọng
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 12:30, 04/10/2018
(Moitruong.net.vn) – Tại cảng Cát Lái, có 58 hãng tàu vận chuyển phế liệu được xác định đang tồn đọng quá 90 ngày. Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 yêu cầu các hãng tàu, đại lý được ủy quyền phải đem khỏi lãnh thổ Việt Nam những phế liệu mà họ vận chuyển về cảng gây ô nhiễm môi trường.
>>>Paris: Cấm ô tô tại khu vực trung tâm thành phố để cải thiện chất lượng không khí
>>>Quảng Bình: Hội viên nông dân cùng xây dựng môi trường không khói thuốc
Phế liệu nhập khẩu không đạt tiêu chuẩn bị Hải quan TP.HCM phát hiện tại cảng Cát Lái năm 2018. (Ảnh: Thương hiệu và Công luận)
Thông tin từ Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1, đến ngày 2/10, Cảng Cát Lái tồn khoảng 4.000 container, trong đó, số tồn quá 90 ngày hơn 3.000 container chủ yếu là phế liệu. Trong thời gian qua, Chi cục này đã mời 58 hãng tàu vận chuyển phế liệu cập cảng được xác định tồn đọng quá 90 ngày tại cảng Cát Lái đến làm việc nhưng chỉ hơn 1 nửa là các đại lý hãng tàu đến. Trong số trên 2.500 container đang xử lý thì có vài hãng tàu đã vận chuyển số lượng lớn. Cụ thể, vận chuyển nhiều nhất là hãng tàu C.L. vận chuyển 587 container, tiếp theo là hãng tàu H.M 261 container và hãng tàu A.P vận chuyển 235 container…
Theo Khoản 6 Điều 58 Luật Hải quan 2014 đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Ngoài ra, tại Điều 74 Luật Hàng hải năm 2005 quy định thời điểm phát sinh và chấm dứt trách nhiệm của người vận chuyển. Cụ thể, trách nhiệm của người vận chuyển phát sinh từ khi người vận chuyển nhận hàng tại cảng nhận hàng và chấm dứt chỉ khi kết thúc việc trả hàng tại cảng trả hàng. Theo các quy định hiện hành thì cơ quan hải quan có đủ cơ sở để buộc trách nhiệm các hãng tàu phải xử lý hàng do mình vận chuyển.
Nếu các container phế liệu không có người nhận, có nghĩa là việc trả hàng chưa kết thúc, nên người vận chuyển là các hãng tàu phải có trách nhiệm đối với các lô hàng mình chuyên chở.. Trong các lần làm việc với Cục Hàng hải Việt Nam và cơ quan hải quan, các hãng tàu đều kêu than về những tổn thất trong việc chủ hàng không nhận hàng, không chỉ là việc không thu được phí mà container bị tồn quá lâu. Chưa kể, các hãng tàu cũng cho rằng họ cũng không biết phải thực hiện xuất trả hàng như thế nào, nếu buộc phải tiêu hủy thì họ phải chịu thêm thiệt hại khá nhiều, trong đó có việc không lưu thông được vỏ container do tồn đọng quá lâu tại cảng.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 Phạm Thị Lèo, trong quá trình phân loại xử lý 2.500 container phế liệu, nếu phát hiện phế thải, chất gây ô nhiễm môi trường cơ quan Hải quan kiên quyết yêu cầu hãng tàu, đại lý được hãng tàu ủy quyền phải mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Nhận trách nhiệm trong việc vận chuyển hàng hóa, song đại diện các hãng tàu đều thừa nhận không thể xuất trả phế thải sang các nước khác, vì sẽ không có nước nào nhập khẩu nếu biết đó là phế thải. Giải pháp cuối cùng các hãng tàu có thể thực hiện là tiêu hủy.
Bộ Tài chính đã làm việc với Tổng cục Hải quan và các cục hải quan có cảng biển đang tồn hàng phế liệu tại cảng yêu cầu cần có thêm giải pháp cụ thể để giải quyết lượng rác phế liệu khổng lồ này. Đặc biệt lưu ý với hải quan các địa phương thống nhất biện pháp quản lý phế liệu nhập khẩu, ngăn chặn tình trạng bịt ở địa phương này, nhưng lại phình ra ở địa bàn khác. Bộ Tài chính “lệnh” các cơ quan hải quan kiên quyết không cho dỡ hàng xuống cảng với các lô hàng phế liệu không đủ điều kiện. Các đại lý, hãng tàu phải có thông tin về doanh nghiệp, số giấy xác nhận được phép nhập phế liệu, mã số thuế, địa chỉ doanh nghiệp… trên e-Manifest đầy đủ trước khi cập cảng.
Nguyễn Ngân (t/h)