Nghệ An – Bài 1: Người dân khốn khổ sống cạnh Trang trại bò sữa TH True Milk ô nhiễm, bốc mùi hôi thối

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 00:51, 12/10/2018

Ô nhiễm môi trường tại Nghệ An: Bài toán chưa có lời giải

MOITRUONG.NET.VN Nhiều năm nay, người dân xóm Đông Lâm, xã Nghĩa Lâm (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) đang phải sống trong bầu không khí ô nhiễm do Trang trại bò sữa của Công ty CP thực phẩm sữa TH (TH True Milk) thải ra. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của huyện Nghĩa Đàn và tỉnh Nghệ An về tình trạng Trang trại bò sữa của Công ty CP thực phẩm sữa TH True Milk hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường, nhưng đến nay vẫn chưa có tiến triển khiến người dân vô cùng bức xúc.

>>> Nghệ An: Ô nhiễm  môi trường tại Bãi rác Nghi Yên, trách nhiệm thuộc về Công ty cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Nghệ An

>>> Nghệ An: Dân khổ sở vì Khu liên hợp chất thải rắn Nghi Yên gây ô nhiễm môi trường

Doanh nghiệp lo làm giàu, dân sống trong ô nhiễm

Được cho là cơ sở chăn nuôi bò sữa có tầm cỡ ở Đông Nam Á khiến người ta tự hào. Tuy nhiên, ít người biết rằng, bên cạnh niềm vui và sự tự hào đó, lại có hàng trăm hộ dân ở gần trang trại đang sống trong môi trường ô nhiễm.

Trang trại bò sữa TH True Milk trên đồi cao nên mỗi khi mưa là nươc lại chảy ngấm xuống hạ lưu

Vượt chặng đường dài hơn 100 km từ thành phố Vinh đến huyện Nghĩa Đàn, dừng chân bên ngã 3 đường mòn Hồ Chí Minh, chúng tôi hỏi thăm đường vào xóm Đông Lâm, xã Nghĩa Lâm. Một người dân địa phương cười rồi nói: “vô xóm bò phải không, giờ các chú cứ rẽ phải rồi đi thẳng, khi nào ngửi thấy mùi thối là đến xóm Đông Lâm”.

Xe chúng tôi chạy chừng 5 km thì dừng lại. Vừa mở cửa xuống xe mùi hôi thối đã ngập tràn, khiến chúng tôi phải bịt mũi và tìm quán tạp hóa để mua khẩu trang. Bà chủ quán cho biết, hôm nay còn đỡ, chứ những ngày mưa mùi thối còn “sâu nặng” hơn nhiều.

Theo tìm hiểu của PV Moitruong.net.vn, xóm Đông Lâm có 89 hộ với 355 nhân khẩu, nằm ngay sát cụm 1 (trang trại nuôi bò sữa số 1) của TH True Milk.

Ông Trần Văn Huy, 56 tuổi là cư dân xóm, nhà ở đối diện với khu “hậu cần” của trang trại bò cho biết: “Ở đây ô nhiễm hết chịu nổi nhà báo à, chúng tôi kêu cứu nhiều rồi, nhưng chính quyền, trang trại bò không quan tâm, họ chỉ hứa cho yên lòng dân, rồi đâu lại vào đó”.

“Khi TH True Milk đến vận động dân thành lập trang trại, xây dựng nhà máy thì họ hứa sẽ tuyển người dân địa phương vào làm việc trong trang trại, nhà máy. Nhưng xây dựng xong rồi thực tế rất ít con em Nghĩa Lâm được làm công nhân trong đó. Nguồn nước bị họ gây ô nhiễm, dân đề nghị cung cấp cho mỗi gia đình 01 máy lọc nước nhưng cũng không được đáp ứng”. Ông Huy buồn bã chia sẻ với PV.

Cùng chung nỗi bức xúc với ông Huy, một người dân ở xóm Đông Lâm chia sẻ: “Nhà tôi chỉ cách trang trại nuôi bò sữa vài chục mét, nên hàng ngày phải hứng chịu mùi hôi thối từ phân bò trong các trại chăn nuôi và từ các hố xử lý chất thải của TH True Milk”.

Ngoài mùi thối còn có ruồi nhặng, muỗi nhiều vô kể. Gia đình ông cũng nằm trong diện kiểm đếm tài sản để tái định cư của xóm Đông Lâm, cách đây hơn 6 năm (2012), ngay từ năm 2010 đã có chủ trương di dời tái định cư cho xóm Đông Lâm, nhưng đến nay dự án tái định cư vẫn đang là dự án treo, còn người dân thì cứ phải sống trong ô nhiễm và khắc khỏai chờ đợi đến ngày được chuyển đến chỗ ở mới.

Ông Ngô Xuân Tư, xóm trưởng xóm Đông Lâm, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn bức xúc chỉ tay về phía Trang trại bò sữa của TH True Milk hằng ngày gây ô nhiễm

Để có thông tin chính xác và khách quan về vấn đề Trang trại bò sữa của TH True Milk gây ô nhiễm môi trường, PV đã tìm gặp ông Ngô Xuân Tư, xóm trưởng xóm Đông Lâm, Ông Tư cho biết: “những điều người dân phản ánh về Trang trại bò sữa của TH True Milk gây ô nhiễm môi trường là chính xác. Xóm chúng tôi có 4 thứ ô nhiễm chính: Cái thứ nhất là ô nhiễm từ mùi hôi thối, chú biết đấy, hiện tại xóm chúng tôi nằm lọt thỏm dưới thấp, một bên khu trang trại bò ở trên đồi cao, bên này là khu chế biến thức ăn, bên kia là khu xử lý nước thải hỏi không hôi thối sao được. Thứ hai là ô nhiễm về tiếng ồn, ban ngày thì tiếng ồn do xe chạy trên quốc lộ 48E và xe chở nước phân thải đi tưới, đi đổ, xe chở nguyên liệu, sản phẩm đi, đến. Ban đêm thì tiếng ồn do xe chở cỏ, nhập cỏ, mua sản phẩm cùng với tiếng ồn từ nhà máy chế biến thức ăn khu trung tâm. Thứ 3 là ô nhiễm về bụi, bụi từ khu vực nhà máy, từ xe chở hàng, đường giao thông khi xe cộ chạy qua. Nói chung là rất nhiều bụi. Nhiều đến nỗi bàn ghế trong nhà luôn có một lớp bụi phủ trên mặt bàn, mặt ghế. Những hộ có nhà mặt đường thì phải luôn đóng kín cửa. Thứ 4 là ô nhiễm về nguồn nước thải”.

Ông Tư cũng cho rằng nguồn nước ngầm trong khu vực đang bị ô nhiễm chắc chắn có tác động từ Trang trại bò sữa này. Bởi trước đây khi chưa có trang trại bò sữa của TH True Milk, nước giếng khoan trong vắt, rất sạch, có thể dùng ăn uống sinh họat hàng ngày, giờ đây khoan lên chỗ thì nước màu vàng, chỗ nước màu đen, thường sủi bọt, vẩn đục và có mùi tanh. Đợt trước có công ty ở dưới Vinh lên khoan kiểm tra nước không đạt chuẩn. Các chú nghĩ xem, với số lượng bò rất lớn, khoảng từ 30 – 45 ngàn con, thì một ngày nó xả ra bao nhiêu chất thải? Và bao nhiêu trong số đó lọt ra môi trường? Thật là kinh khủng! Khu xử lý nước thải nằm sát nhà ông Tư, còn trang trại bò cách khoảng 50 mét. Nước thải thì họ đào hố chứa rồi họ hút đi tưới cho cỏ, cây. Nước thải bao gồm nước rửa sàn, nước phân, nước tiểu bò, sữa của bò bị ốm họ xả ra rồi khi mưa gió nó chảy tràn khắp nơi, mùi hôi thối luôn nồng nặc..

Tiềm ẩn tai nạn giao thông, bệnh tật

Con đường giao thông vào Trang trại bò sữa TH True Milk là đường Quốc lộ 48E vốn đã xuống cấp nghiêm trọng nay lại càng xuống cấp hơn bởi sự tàn phá của hàng đoàn xe vận tải của Trang trại. Đường hẹp, lổn nhổn đất đá, ổ voi, ổ gà, xe cộ lại hoạt động liên tục, bụi bay mù mịt. Được biết tuyến đường này chạy qua 10 xã của huyện Nghĩa Đàn, có chiều dài khoảng 80 km, trong đó có 40 km là rải đá cấp phối. Ngoài một số phương tiện vận tải nguyên liệu, keo mía, sắn cho một số nhà máy nằm trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn và các vùng lân cận. Thì chủ yếu là lượng xe cộ của Công ty TH True Milk, nhất là dàn xe tải Thành Đô chạy trên tuyến là rất lớn nên ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Riêng đoạn đi qua xã Nghĩa Lâm dài khoảng 6 km, đoạn đường này thực sự là cơn ác mộng cho người dân xóm Đông Lâm, xã Nghĩa Lâm mỗi khi đi trên cung đường này. Được biết năm 2017 đã có 3 người dân xã Nghĩa Lâm bị TNGT trên đoạn đường này (2 người tử vong, 1 người chấn thương trong đó có 1 công nhân trong trang trại TH True Milk). Điều mà người dân lo lắng nhất là đảm bảo an toàn cho con, em của họ mỗi khi đến trường và về nhà trên cung đường này.

Đường Quốc lộ 48E thường xuyên bị các xe quá tải trọng cày xới nên đã xuất hiện nhiều ổ gà, ổ trâu tiềm ần nguy cơ mất an toàn giao thông

Ô nhiễm môi trường đã kéo theo hệ lụy là bệnh tật phát sinh. Ông Trần Văn Huy cũng phản ánh là mấy năm nay ở vùng này tình trạng người dân bị ung thư phát triển mạnh. Đã có khoảng 14 người bị chết vì căn bệnh nan y này, và rất nhiều người già, trẻ em bị bệnh đường ruột, bệnh hô hấp.

Thay lời kết

Mặc dù không ai mong muốn rời bỏ nơi quê hương mình đã gắn bó từ thửa ấu thơ cho đến lúc trưởng thành. Quê hương là chùm khế ngọt, nhưng bây giờ đã thành khế đắng. Người dân Đông Lâm, xã Nghĩa Lâm hiện đang “sống trong sợ hãi” vì ô nhiễm môi trường nên họ có nguyện vọng thiết tha và chính đáng là được tái định cư đến nơi ở mới.

Mong rằng lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, lãnh đạo UBND huyện Nghĩa Đàn và Tập đoàn TH True Milk sẽ xem xét đáp ứng nguyện vọng đó của dân trong thời gian sớm nhất.

Kế Hùng

Kế Hùng