Mê Linh, Hà Nội: Dân “kêu trời” vì ô nhiễm do thi công mạng lưới cấp nước

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 03:07, 27/11/2018

Hồ Chí Minh: Công ty nệm Vạn Thành xả khí thải “bức tử” môi trường

– Ô nhiễm môi trường, bụi bặm len lỏi vào từng ngóc ngách trong gia đình, mọi sinh hoạt thường ngày đều có sự tham gia của bụi, mặt đường gồ ghề tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Đó là những gì mà người dân đang sinh sống tại 4 xã thuộc huyện Mê Linh phản ánh tới Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn khi Dự án “Cải tạo, nâng công suất nhà máy nước Bắc Thăng Long đạt công suất 150.000m3/ngày/đêm và phát triển mạng lưới cấp nước” bắt đầu triển khai. Gói thầu số 14:“thi công xây dựng mạng lưới cấp nước xã Tiền Phong” do Công ty CP xây dựng và đầu tư phát triển kiến trúc đô thị thực hiệnlà người dân bức xúc nhất do gây ô nhiễm môi trường trong quá trình thi công.

 >>>Mê Linh – Hà Nội: Khu công nghiệp Quang Minh xả thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm trầm trọng

>>> Mê Linh(Tp. Hà Nội): Nhà máy gạch Hoàng Kim “bức tử” môi trường, người dân kêu cứu.

Người dân khốn khổ do nhà thầu thi công ẩu?

Nhận được phản ánh, Phóng viên Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn có mặt tại xã Tiền Phong và 03 xã lân cận để ghi nhận thực tế. Trong tổng chiều dài thi công 231.274 m đường đi qua 04 xã Mê Linh, Tráng Việt, Đại Thịnh, Tiền Phong, chúng tôi nhận thấy tình trạng ô nhiễm bụi bặm vô cùng nghiêm trọng. Hình ảnh người dân quét nhà ra hàng cân bụi cát, hay phải tự mang cả chục xô nước ra tưới đường đã không còn là chuyện hiếm. Thậm chí, nhiều gia đình còn phải đóng kín cửa cả ngày, che chắn kín mít các khe cửa, thông gió… Với các nhà buôn bán thì càng khổ sở hơn, tiểu thương phải mang khăn ra phủ che bụi cho hàng hóa, lau dọn nhiều lần. Ở trục đường phố Yên, tần suất xe tham gia giao thông qua lại khá đông, mỗi khi có các xe trọng tải lớn, xe công nông, xe khách, xe buýt, xe bán tải… chạy qua, cuốn bụi bay mù mịt, còn những xe tham gia giao thông phía sau phải đi chậm hoặc dừng lại vì không nhìn thấy đường và phương tiện khác.

Đơn vị thi công không thực hiện đúng như cam kết về bảo vệ môi trường nên khi trời nắng thì bụi mịt mù, mưa thì lầy lội khiến người dân bức xúc  

Chị Nguyễn Thị Hạnh trú tại khu 7, Phố Yên cho biết: “Hiện nay công trình thi công nước sạch, mặt bằng không hoàn trả lại như cũ gây ra bụi bẩn, tôi phải đeo khẩu trang từ sáng đến tối. Ô nhiễm môi trường bẩn lắm, tôi phải tưới nước hàng ngày chống bụi, rất mong đơn vị thi công mau chóng trả lại mặt bằng như cũ cho chúng tôi”.

Con đường được đơn vị thi công thảm lại bằng “sỏi”. Với cách làm vô trách nhiệm của đơn vị thi công như thế này thì việc người tham gia giao thông gặp phải tai nạn chỉ là một sớm, một chiều

Còn theo anh Lê Hồng Sơn xã Tiền Phong chia sẻ: “Bên công trình nước đang làm, khi làm xong chưa hoàn trả lại mặt đường chính, những chỗ đã hoàn trả mặt đường nhựa lại trũng thấp hơn so cốt trước của nó. Còn đoạn chưa hoàn trả gây bụi bặm, mặt đường gồ ghề, mép cao mép thấp tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nếu người tham gia giao thông vô tình đi vào chỗ mép gờ. Ô nhiễm bụi bặm người lớn và trẻ em hít phải rất khó chịu, bụi len lỏi bất kỳ chỗ nào. Đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc giúp người dân chúng hoàn trả lại mặt đường phẳng phiu và môi trường sống được trong lành”.

Cần xử lý nghiêm trách nhiệm của nhà thầu thi công gây ô nhiễm

Theo tìm hiểu của PV, được biết, Dự án do công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội là chủ đầu tư. Theo thông báo khởi công số 2610/NSHN-BQLDA, ngày 8/9/2018, gửi đến nhà thầu thi công Công ty CP xây dựng và đầu tư phát triển kiến trúc đô thị thực hiện gói thầu số 14 với các hạng mục thi công xây lắp được phép kẻ vạch, cắt đường, phá dỡ kết cấu bề mặt để lắp đặt ống nước và phụ kiện theo thiết kế do Cục hạ tầng, Bộ xây dựng phê duyệt. Tuy nhiên, điều quan trọng trong gói thầu này, đó là phần hoàn trả bề mặt đường giao thông để tránh gây ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn giao thông. Nhưng đơn vị thi công không biết do “vô tình” hay thi công ẩu mà “quên mất” chưa hoàn trả mặt đường như trong thiết kế, khiến người dân sống hai bên đường “kêu trời” vì bụi bẩn, còn những người tham gia giao thông thì vô cùng bức xúc bởi nguy cơ tai nạn giao thông cao.

Sau khi đào đường thì nhà thầu thi công không thảm lại đúng cốt nền nên khi mưa bị ứ nước, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông

Ghi nhận thực tế tại hiện trường, trên mặt đường đã thi công nhiều đoạn chưa thảm nhựa hoàn trả bề mặt đường; một số đoạn khác hiện vẫn còn trơ nền móng cốt bằng đá hộc cấp phối gồ ghề, lồi lõm; tạo thành ổ voi, ổ gà …uy hiếp đến tính của người tham gia giao thông.

Có rất nhiều đoạn lớp móng đường không được lu lèn chặt gây lún sụt, đọng nước. Việc đá nhỏ văng ra bên vệ đường kết hợp với cát sỏi cũng làm bịt kín các lỗ thoát nước của người dân, khiến họ phải mang xà beng, búa, đục để tạo lỗ thoát nước trên bề mặt đường. Với những đoạn mặt đường đã được thảm thô, phủ đất cát, hết độ lún hai bên mép đào thấp hơn hẳn mặt đường, có chỗ lún tới 4 – 5cm, tạo thành rãnh dài sâu hoắm, trơn trượt, cực kỳ nguy hiểm đối với phương tiện qua lại, đặc biệt là xe máy, xe đạp và người đi bộ.

Nắp cống bị sụt lún không được đơn vị thi công gia cố

Tuy rằng, người dân kêu than việc không trả lại mặt đường bằng phẳng và việc thảm lại mặt đường ẩu, sơ sài, sai kỹ thuật nghiêm trọng như vậy, nhưng trong tất cả các văn bản giám sát của Ban Giám sát ĐTCCĐ, Ủy ban MTTQ xã Tiên Phong, đều ghi nhận: “đã tiến hành tổ chức thi công lắp đặt và hoàn trả theo đúng thiết kế,…kết luận đảm bảo các điều kiện thi công theo đúng quy định”.

Tuy đã thi công lắp đăỵ ống nước gần xong, nhưng chỗ mặt đường bị cắt vẫn chưa được đơn vị thi công thảm lại nhìn rất mất mỹ quan đô thị

Việc nâng cao công suất Nhà máy nước và tổ chức thêm mạng lưới cấp nước cho người dân tại Mê Linh là một dự án hữu ích và cần thiết, nhưng ngược lại, nó chỉ cần thiết khi mọi điều kiện tối thiểu như môi trường trong sạch, giao thông an toàn được đơn vị thi công đảm bảo. Việc ghi nhận thực tế giữa người dân và chính quyền về việc thi công, hoàn trả mặt bằng của đơn vị xây lắp là đang có sự vênh nhau rất rõ. Hiện trạng này xuất phát từ những lý do nào, trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị thi công và đơn vị giám sát sẽ ra sao là câu hỏi kỳ sau Môi trường và Cuộc sống sẽ giải đáp cho dư luận, khi chính quyền và chủ đầu tư lên tiếng.

Thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan chức năng UBND TP Hà Nội, UBND huyện Mê Linh vào cuộc thanh kiểm tra việc đơn vị có thi công ẩu, thực hiện không đúng các biện pháp bảo vệ môi trường coi thường sức khỏe cộng đồng và cần xử lý nghiêm theo đúng pháp luật.

Đức Long – Hoàng Vân

Đức Long – Hoàng Vân