Gia Lai: Người dân khốn khổ vì nhà máy đường An Khê gây ô nhiễm nghiêm trọng

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 01:00, 26/03/2019

Moitruong.net.vn – Nhiều năm nay, người dân sống quanh Nhà máy đường An Khê (thị xã An Khê, Gia Lai), khốn khổ vì xe tải vận chuyển mía gây hỏng đường, nước bẩn thải ra sông từ nhà máy gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Nước xả thải chưa qua xử lý chảy thẳng vào ruộng của người dân

Người dân thôn 2 (xã Thành An) cho biết  từ khi Nhà máy đường An Khê đi vào hoạt động đã khiến cho nguồn nước xung quanh khu dân cư không thể sử dụng được. Bụi từ việc vận chuyển mía của xe tải cỡ lớn gây ô nhiễm. Biện pháp đối phó của người dân chỉ là đóng kín cửa, áo quần phải phơi trong nhà.

Người dân ý kiến về việc nguồn nước không thể sử dụng trong sinh hoạt thì nhà máy đồng ý “hỗ trợ”, nhưng theo kiểu “cho có” (cứ 3 ngày mới cấp cho mỗi hộ dân 2 bình nước, loại bình 20 lít). Những hộ dân có mái tôn bị hỏng cũng chỉ được “hỗ trợ” 5 triệu đồng. Bởi vậy, nhiều người đã phải chuyển đi nơi khác sinh sống.

“Tôi lo nhất cho những đứa trẻ. Cháu gái của tôi bị mẩn ngứa, viêm phế quản. Thường xuyên đi bệnh viện nhưng ra rồi lại bị tiếp. Bây giờ người dân chúng tôi chỉ muốn chuyển ngay đi nơi khác” – Một người dân bức xúc.

Theo ông Nguyễn Văn Hảo – Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê giải thích, nước giếng người dân dùng đã được Phòng tài nguyên môi trường thị xã An Khê lấy mẫu kiểm tra. Kết quả “trong ngưỡng không vượt qui chuẩn”. Còn việc người dân phản ánh bụi từ phương tiện vận chuyển xe mía là đúng. Trong quá trình hoạt động trạm bơm tuần hoàn, hệ thống nước bốc hơi đã làm hỏng mái tôn của người dân. Đặc biệt là các hộ dân nằm sát nhà máy. Nhà máy đã “hỗ trợ” tổng cộng 9 hộ, mỗi hộ 5 triệu đồng.

Về việc xả thải của nhà máy ra sông, ông Hảo nói “có một số chỉ tiêu vượt”, hiện nhà máy đang giải trình đến UBND tỉnh nguyên nhân là do sự cố của máy phát điện 15MW.

Cũng theo ông Hảo, hiện nhà máy đang phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác kiểm đếm đất đai, hoa màu, kiến trúc của 19 hộ dân. Việc này nhằm có kế hoạch di dời đến nơi ít bị ảnh hưởng. Từ đó, chính quyền địa phương sẽ chọn một quỹ đất và thực hiện đền bù; nhà cũ sẽ được đền bù bằng nhà mới, đất đai sẽ đền bù theo đơn giá của Nhà nước. Tuy nhiên việc kiểm đếm “hơi lâu”.

Được biết, tại đây lượng nước đã ngập tràn hai hồ. Bên cạnh hai hồ này có một bể chứa nước thải đang chạy xử lý. Tuy nhiên, tại bể chứa nước thải xử lý thì lại rất ít nước. Điều này cho thấy nghịch lý, nước chưa xử lý thì vô tư tràn bờ còn nước đã qua xử lý là rất ít. Được biết nhà máy Đường An Khê có công suất 18.000 tấn mía/ ngày với lượng nước sản xuất thải ra khoảng 2.700m3/ ngày đêm.

Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, quá trình vận chuyển mía đường của nhà máy cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Hàng loạt xe ôtô chở mía quá tải chạy ầm ầm suốt ngày đêm tàn phá đường. Ngày nắng thì bụi mù mịt, ngày mưa thì lầy lội, trơn trượt.

Nguyện vọng của người dân nơi đây là các ngành chức năng, và Nhà máy đường An Khê quan tâm, có biện pháp tốt, giảm phần nào mùi hôi thối và ô nhiễm nói trên.

Ngọc Linh (t/h)

Ngọc Linh (t/h)