Phú Yên: Tôm hùm chết hàng loạt do môi trường vùng nuôi ô nhiễm
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 08:00, 09/04/2019
– Trong thời gian gần đây, tại một số vùng nuôi tôm hùm trên Vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu (Phú Yên), xảy ra hiện tượng nước vùng nuôi chuyển màu nâu đỏ bất thường làm chết tôm hùm nuôi hàng loạt trên địa bàn. Nhiều gia đình thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng.
>>> TP. HCM quan tâm công nghệ xử lý rác của Frankfurt
>>> Cần Thơ: Nỗ lực phân loại rác, chống rác thải nhựa
Ảnh minh họa
Thống kê những năm trước, tại khu vực này cũng đã nhiều lần xảy ra hiện tượng tôm hùm chết hàng loạt. Lần xảy ra gần đây nhất tại xã Xuân Phương vào ngày 1-6 đến 12-6-2016 với tỷ lệ tôm chết khoảng 60-70%, có một số lồng lên đến 90-100%. Đến cuối tháng 3, đã có 2.160 con tôm hùm kích cỡ từ 0,4-0,6kg và 10.800 con tôm giống của 27 hộ dân bị chết. Tại một số xã, phường lân cận thì tôm có chết nhưng ít hơn.
Kết quả quan trắc môi trường của Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản Miền Trung, Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên cho thấy, tại các vùng mặt nước vịnh Xuân Đài thuộc xã Xuân Phương và phường Xuân Yên những ngày qua có hiện tượng nước chuyển sang đỏ bất thường, hàm lượng khí độc (H2S, NH3) rất cao, lượng ô xy hòa tan trong nước rất thấp (2,1mg/l), mật độ vi khuẩn Vibrio cao (từ 1,1x10m3-2,5x10m3 cfu/ml).
Nguyên nhân ban đầu gây ra hiện tượng này là do thời tiết nắng nóng, xen kẽ những cơn mưa dông gây biến động đột ngột đến các yếu tố môi trường như nhiệt độ nước, lượng khí độc tăng cao, ô nhiễm dinh dưỡng… Hiện tượng nước bị đỏ đã ảnh hưởng đến sức khỏe thủy sản nuôi, nhất là tôm hùm.
Là người thiệt hại nặng trong những ngày vừa qua, ông Nguyễn Văn Mười cho biết: Vài ngày gần đây, trong số 460 con tôm hùm thả nuôi đã có 400 con bị chết, thiệt hại trên 110 triệu đồng. Năm nay, vì muốn tôm không bị ảnh hưởng do nắng nóng nên gia đình tôi nuôi ủ sớm hơn. Vậy mà nắng nóng những ngày qua làm cho nguồn nước bị thiếu ô xy, dẫn đến tôm chết.
Ông Trần Văn Thành ở thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu thả nuôi hơn 400 con tôm hùm, nhưng trải qua một đêm tôm chết gần 60% thiệt hại 65 triệu đồng.
Theo Sở NN&PTNT, hiện tượng môi trường bị ô nhiễm hữu cơ, tảo phát triển mạnh trong đợt này tương tự như những trường hợp tôm chết do môi trường đã xảy ra trong các năm 2016, 2017 trên vịnh Xuân Đài.
Dự báo trong thời gian tới, nắng nóng kéo dài, khả năng có mưa dông, là điều kiện thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy hữu cơ, tảo phát triển mạnh, nguy cơ xảy ra sự cố môi trường tại các vùng nuôi thủy sản lồng, bè trên vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu là rất lớn, nên người dân không được chủ quan.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Trước thời điểm tôm hùm nuôi ở vịnh Xuân Đài chết, Sở NN&PTNT và Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản Miền Trung đã cảnh báo đến chính quyền địa phương về diễn biến xấu của nguồn nước. Tuy nhiên, tôm hùm nuôi của các hộ dân bị ảnh hưởng trong những ngày qua có thể do sự chủ quan của người dân, vì một số người tuy đã được cảnh báo nhưng vẫn không chịu kéo lồng lên. Mặt khác, khu vực nuôi của các hộ bị ảnh hưởng không nằm trong quy hoạch và chuẩn bị di dời, đã cấm biển báo.
“Trong những tháng tiếp theo, thời tiết nắng nóng còn diễn biến phức tạp, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các bộ phận liên quan phối hợp với địa phương hướng dẫn người dân biện pháp phòng tránh thiệt hại, di dời lồng ra khỏi khu vực nuôi không đảm bảo. Ngày 9/4 tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức tuyên truyền Luật Thủy sản, hướng dẫn kỹ năng xử lý tình hình dịch bệnh. Khuyến cáo người nuôi giảm số lượng lồng, thả nuôi đúng lịch thời vụ, ganh lồng lên cao để tôm không bị thiếu ô xy, giảm lượng thức ăn trong ngày… Ngoài ra, sở đã yêu cầu tăng cường tần suất quan trắc môi trường để cảnh báo kịp thời cho người dân”, ông Tùng thông tin.
Do nghi ngờ nhà máy chế biến thủy sản của Công ty TNHH Nguyễn Hưng ở xã Xuân Phương đã lợi dụng trời mưa để xả nước thải chưa qua xử lý ra biển khiến tôm hùm chết hàng loạt nên ngay sau đó người dân đã kéo đến công ty phản đối.
Ngọc Phương (t/h)