Lò đốt rác: Hiểm họa khôn lường đối với môi trường

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 01:00, 17/04/2019

Việc ồ ạt mua lò đốt rác thải cỡ nhỏ để xử lý rác thải sinh hoạt ở địa phương đã diễn ra từ nhiều năm nay. Các chuyên gia môi trường cảnh báo, giải pháp này tuy đạt được lợi ích trước mắt nhưng sẽ để lại hậu quả khôn lường. Nhiều quốc gia như Bỉ, Nhật Bản đã phải trả giá đắt.

– Các chuyên gia môi trường cảnh báo: Việc ồ ạt xây dựng lò đốt rác không đáp ứng yêu cầu công nghệ là mối hiểm họa đối với môi trường.

>>>Tp. Hồ Chí Minh: Người dân Củ Chi khiếp hãi vì mùi hôi ở kênh Thầy Cai

>>>Lâm Đồng: Bùn thải gây ô nhiễm nguồn nước danh thắng quốc gia thác Prenn

Theo báo cáo của Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), tổng lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn cả nước khoảng 32.000-35.000 tấn/ngày. Trung bình mỗi năm, lượng rác thải rắn phát sinh tăng khoảng 10%. Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi rác tại khu vực nội thành mới đạt khoảng 85%, khu vực ngoại thành khoảng 60%, khu vực nông thôn 40-55%. Đáng chú ý, có tới 77,5% khối lượng chất thải rắn đang được xử lý theo hình thức chôn lấp, có tới 80% các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Đây chính là nguyên nhân gây ô nhiễm trực tiếp đến môi trường đất, nước, không khí và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, hoạt động sản xuất của con người.

Lò đốt rác sơ sài tại một địa phương

Để giải bài toán khó này cũng như việc thiếu quỹ đất chôn lấp rác thải, một trong những hình thức xử lý rác được quan tâm nhất hiện nay là đốt rác thay vì chôn lấp. Hầu hết các tỉnh, thành phố, thậm chí cả các tuyến huyện, xã ở nhiều địa phương đề xuất lựa chọn phương thức đốt rác và chủ động xây dựng lò đốt rác. Tuy nhiên, theo nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Dương Tùng, đốt rác tại các nơi công cộng, hoặc tại các lò đốt nhỏ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn, bởi nguy cơ phát thải dioxin từ lò đốt rác rất cao. Trong khi đó, thay vì xử lý rác bằng hình thức chôn lấp, không ít địa phương đã chủ động xây dựng lò đốt rác. Đây là việc rất sai lầm, bởi hầu hết các lò đốt có công nghệ sơ sài.

Khảo sát của Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường) mới đây cũng cho thấy, nhiều lò đốt rác chưa bảo đảm môi trường theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 30:2012/BTNMT về lò đốt chất thải công nghiệp và dự thảo quy chuẩn Việt Nam (QCVN) về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng.

Cũng theo ông Hoàng Dương Tùng, hiện nay rác được đưa vào đốt hầu như chưa được phân loại, có chăng chỉ loại bỏ các chất thải cứng. Việc sử dụng nhựa để mồi lò là rất nguy hiểm, vì chỉ có thể sử dụng nhựa PE (loại nhựa mỏng làm túi nilon đựng hàng hóa hoặc loại áo mưa mỏng, thông thường gọi là áo mưa giấy). Nếu đốt các loại nhựa có thành phần chứa clo sẽ dẫn đến nguy cơ phát sinh dioxin cao, nhất là nhựa PVC.

“Việc ồ ạt xây dựng lò đốt rác không phải là cách làm hay, giúp cải thiện môi trường, mà tiềm ẩn nhiều nguy cơ với môi trường, đó chính là ô nhiễm không khí”, ông Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh.

PGS.TS Vũ Thị Vinh – nguyên Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam – cho biết, tại các nước tiên tiến trên thế giới, rác thải được coi là nguồn tài nguyên, nguồn năng lượng thay thế để sản xuất điện năng và dùng để sản xuất phân vi sinh. Ở Việt Nam, công nghệ xử lý rác thải thành điện năng và phân vi sinh đã được đưa vào thực nghiệm ở một số địa phương như Đồng Tháp, TP HCM, Bình Dương, Hải Phòng, Hà Nội… Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ xử lý rác thải nhiều năm qua hầu như không có tiến triển, nguyên nhân chủ yếu do nguồn rác thải chưa được phân loại tại nguồn, từ rác thải công nghiệp đến rác thải sinh hoạt.

Từ quan sát thực tế xử lý rác ở Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn MILAI Ichiro Hatayama (Nhật Bản) cảm nhận: Mọi người có thể vô tư vứt rác rất thoải mái dưới chân mà không bị cơ quan nào “tuýt còi”. Sau nữa là người thu gom rác, thu gom xong đưa đến được bãi rác cũng buông xuôi. Mọi thứ rác trộn lẫn với nhau, không được phân loại trước khi xử lý, gây tác hại, ảnh hưởng tới môi trường rất lớn.

Ông Ichiro Hatayama cho biết, trước đây ở Nhật Bản rác cũng ngập ngụa khắp nơi và ô nhiễm môi trường nước, không khí đến mức báo động. Nhưng giờ đây Nhật Bản đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, biến rác trở thành tài nguyên, biến rác thành năng lượng tái chế. Cụ thể, để xử lý rác cần có hệ thống tự phân loại các chất thải theo cách hợp lý. Tất cả các loại rác thải đều được phân loại rõ ràng từ những vật liệu đốt được, không đốt được hay khay nhựa, đồ hộp, thủy tinh vỡ… Do đó, cần có biện pháp để buộc người dân phải vứt rác vào đúng loại thùng đựng rác phân loại.

Vì vậy, để cải thiện môi trường, các chuyên gia cho rằng, cần thay đổi tư duy, coi việc tận dụng nguồn năng lượng từ tái chế rác thải là một chiến lược mang tầm quốc gia. Theo đó, các chính sách cần hướng tới thúc đẩy đầu tư dây chuyền công nghệ tái chế, xử lý chất thải rắn, đặc biệt là công nghệ biến rác thải thành điện năng. Để làm được điều này, trước tiên nên đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền ý thức người dân và doanh nghiệp trong phân loại rác và chủ động thu gom rác từ nguồn.

Các chuyên gia môi trường khẳng định, phân loại rác từ nguồn và ứng dụng công nghệ xử lý rác là cách làm thông minh, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa tiết kiệm chi phí…

Thùy Dương (T/h)

Thùy Dương (T/h)