Xử lý ô nhiễm môi trường tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 08:33, 14/04/2019
– Âu thuyền Thọ Quang sức chứa gần 500 chiếc nhưng lượng tàu neo đậu tại đây thường lớn hơn nên việc quản lý, tuyên truyền các chủ tàu, thuyền viên chấp hành quy định về vệ sinh môi trường còn gặp khó.
>>> Tp. Hồ Chí Minh – Bài 2: Hệ thống chính quyền quận 9 đang bất lực trước sai phạm của Công ty Pacific?
>>>Nhật Bản tài trợ công nghệ hiện đại giúp làm sạch, giảm mùi nước sông Tô Lịch
Thành phố Đà Nẵng đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang.
Ông Ngô Văn Cát – Phó Trưởng Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho biết, thời gian qua, Ban Quản lý đã phối hợp với các ngành chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang.
Theo đó, Ban Quản lý duy trì công tác tuyên truyền về môi trường trên hệ thống loa phát thanh 2 lần/ngày; mua thùng chứa thủy sản rơi vãi đặt tại 3 cầu cảng và cử nhân viên thường xuyên kiểm tra, kịp thời xử lý hải sản trong thùng hàng ngày. Năm 2018, Ban Quản lý đã thu gom được trên 1.600 m3 rác thải.
Đối với việc xử nước thải, Ban Quản lý thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các chủ tàu, thuyền trưởng không cọ rửa, vệ sinh hầm tàu trong khu vực; yêu cầu bơm nước thải phát sinh trong quá trình bảo quản hải sản, trả chi phí xử lý nước thải theo quy định, nghiêm cấm xả thải trực tiếp xuống âu thuyền.
Ban Quản lý thực hiện việc thu gom toàn bộ nước thải tại khu vực chợ đầu mối đưa về trạm xử lý nước thải xử lý sơ bộ trước khi chuyển qua trạm xử lý nước thải Sơn Trà xử lý triệt để; phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, các trường hợp vi phạm 3 lần sẽ không cho vào khu vực âu thuyền và cảng cá.
Để hạn chế mùi hôi phát sinh, Ban Quản lý đã kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, không để tồn đọng rác và nước thải; nhắc nhở hạn chế tối đa hải sản rơi vãi trong quá trình mua bán, vận chuyển; không sơ chế, chế biến trong khu vực cảng cá và chợ đầu mối.
Ban Quản lý cũng tổ chức phun vi sinh khử mùi tại khu vực chợ, nhà chứa rác và các cầu cảng ít nhất 2 lần/ngày; sử dụng dung dịch nước điện giải để vệ sinh, khử trùng, hạn chế đáng kể mùi hôi, vi sinh vật, côn trùng có hại phát triển.
Ban Quản lý cảng cá và âu thuyền Thọ Quang cũng thường xuyên kiểm tra rà soát; tổ chức ký cam kết chấp hành quy định về bảo vệ môi trường đối với tàu, xe, thương nhân trong khu vực.
Thời gian qua, Ban đã tổ chức các buổi làm việc với các doanh nghiệp, hợp tác xã sửa chữa tàu thuyền, các thương nhân thuê mặt bằng, hoạt động trong khu vực về công tác phối hợp đảm bảo vệ sinh môi trường và ký cam kết về bảo vệ môi trường.
Đến nay, đã có 100% thương nhân, trên 1.200 chủ tàu, chủ xe ký cam kết về đảm bảo môi trường khi hoạt động trong khu vực. Ngoài ra, Ban Quản lý lắp đặt 16 camera được kết nối đồng bộ tại chợ đầu mối thủy sản, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.
Ông Ngô Văn Cát cho biết thêm, theo quy định về bố trí tàu thuyền đảm bảo an toàn kỹ thuật, đúng công suất thiết kế, âu thuyền Thọ Quang sức chứa gần 500 chiếc, tuy nhiên lượng tàu neo đậu tại đây thường lớn hơn; đặc biệt là vào mùa mưa bão, số lượng tàu thuyền neo đậu tại đây tăng gấp đôi so với công suất thiết kế.
Do đó, việc quản lý, tuyên truyền các chủ tàu, thuyền viên chấp hành quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường tại âu thuyền và cảng cá, nhất là việc thu gom rác thải còn gặp nhiều khó khăn.
Để thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, thời gian tới, Ban Quản lý tiếp tục chỉ đạo đội môi trường của đơn vị tích cực thực hiện thu gom, xử lý rác thải, không để rác thải tồn đọng; duy trì tốt quy trình vệ sinh đã ban hành.
Cùng với đó, phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường Công an thành phố và Đồn Biên phòng Sơn Trà tổ chức kiểm tra, xử lý các tàu cá xả rác thải, nước thải xuống âu thuyền; lắp đặt thêm camera ở một số vị trí nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.
Theo TTXVN