Châu Á trước nguy cơ gia tăng rác thải nhựa do quản lý không hiệu quả

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 10:00, 24/04/2019

Moitruong.net.vn – Các báo cáo mới công bố cho thấy châu Á đang trở thành bãi chứa nhựa tái chế toàn cầu bởi việc quản lý và xử lý rác thải nhựa không đúng theo quy định.

Báo cáo của Liên minh Toàn cầu về các biện pháp thay thế đốt rác (GAIA) và tổ chức Hòa bình Xanh Đông Á công bố ngày 23/4 cảnh báo các quốc gia châu Á đang trở thành bãi chứa nhựa tái chế toàn cầu bởi rác thải nhựa được thải loại, chôn lấp và đốt một cách bất hợp pháp do các quy định quản lý lỏng lẻo.

Dựa trên phân tích số liệu hoạt động của 21 nhà xuất khẩu và nhập khẩu rác thải tái chế trong giai đoạn từ năm 2016 tới năm 2018 (trước và sau khi Trung Quốc ngừng tiếp nhận rác thải nhựa), báo cáo chỉ ra rác thải nhựa nhập khẩu vào các nước như Thái Lan, Malaysia…tăng mạnh từ giữa năm 2017 tới đầu năm 2018. Thêm vào có các hoạt động chôn lấp hay đốt rác nơi công cộng một cách bất hợp pháp cũng gia tăng, khiến các nguồn nước ô nhiễm, mất mùa và các bệnh về hô hấp diễn biến phức tạp.

Châu Á trước nỗi lo về rác thải nhựa ngập tràn

Khi các quốc gia trong khu vực có các biện pháp hạn chế nhập khẩu rác thải nhựa cũng là lúc nguồn chất thải này chuyển hướng tới những quốc gia có quy định quản lý lỏng lẻo hơn như Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ. Các chuyên gia của GAIA cho rằng trong khi ở nhiều nơi, người dân vẫn tin rằng các rác thải nhựa mà họ đẩy ra môi trường hàng ngày sẽ được tái chế ở đâu đó thì trên thực tế chúng được đẩy tới các quốc gia không có hệ thống xử lý rác thải hiệu quả, đồng nghĩa với việc tình trạng ô nhiễm đang đổ dồn về phía Nam bán cầu.

Không chỉ các cộng đồng ở Đông Nam Á “ngập” trong rác thải nhựa, mà ngay cả các quốc gia phát triển như Mỹ, Australia và châu Âu, rác thải nhựa cũng bắt đầu chất đống. Theo báo cáo trên, các quốc gia đứng đầu về xuất khẩu rác thải phải kể đến gồm Mỹ, Anh, Đức và Nhật Bản. Sau khi Trung Quốc cấm nhập rác thải nhựa, các cơ quan quản lý rác thải tại các quốc gia này cũng đau đầu tìm cách chuyển số rác thải nhựa hiện không có nơi nào tiếp nhận. Một số địa phương tại Australia đã quyết định hỗ trợ các nhà tái chế trong nước để tìm lời giải cho bài toán này.

Các quốc gia thành viên của Công ước Basel, công ước toàn cầu về quản lý vận chuyển rác thải độc hại xuyên biên giới, sẽ họp tại Geneva (Thụy Sỹ) từ ngày 29/4 tới và quyết định về một đề xuất của Na Uy nhằm tạo ra một cơ chế minh bạch hơn trong quản lý trao đổi rác thải nhựa. Nếu đề xuất nhận được ủng hộ, các nhà xuất khẩu rác thải nhựa sẽ phải xin ý kiến từ quốc gia nhập khẩu trước khi hoạt động xuất khẩu diễn ra và phải cung cấp thông tin cụ thể về khối lượng và loại rác thải.

Tuy nhiên, các nhà vận động cho biết trên thực tế, cho tới nay con người mới chỉ tái chế được 9% số nhựa được sản xuất trên toàn cầu. Vì vậy, giải pháp lâu dài duy nhất để tháo gỡ cuộc khủng hoảng rác thải nhựa là hạn chế sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm nhựa./.

Hà Châu (T/h)

Hà Châu (T/h)