Tp. HCM – Bài 6: Trách nhiệm quản lý, xử lý các bến bãi VLXD thuộc Sở GTVT và UBND huyện Hóc Môn

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 22:00, 01/05/2019

Moitruong.net.vn Để các bến bãi VLXD tại ấp 3, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn hoạt trái phép, gây ô nhiễm môi trường thì trách nhiệm chính thuộc về Sở GTVT và UBND huyện Hóc Môn.

VIDEO CLIP: Bãi tập kết vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường trước sự làm ngơ của huyện Hóc Môn

Vi phạm Quyết định 22/2017/QĐ-UBND của UBND thành phố

Tiếp tục tìm hiểu và làm rõ trách nhiệm đến công tác tham mưu giúp UBND thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bến bãi VLXD hoạt động trên hành lang sông, kênh rạch. Phóng viên (PV) Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Đức Vũ – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy Lợi cho biết: “Hiện nay, các bến bãi VLXD tại ấp 3, xã Đông Thạnh nằm trên tuyến sông Rạch Tra, thuộc về Sở giao thông vận tải quản lý đã được UBND thành phố Hồ Chí Minh quy định về phân cấp quản lý, khai thác các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố tại Quyết định số 28/2016/QĐ-UBND ngày 12/8/2016. Đối với các bãi tập kết VLXD tại các vị trí mà báo Moitruong.net.vn phản ánh không thuộc phạm vi quản lý cũng như thẩm quyền của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn.”.

Ông Nguyễn Đức Vũ – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy Lợi khẳng định: “Các bến bãi VLXD tại ấp 3, xã Đông Thạnh không thuộc thẩm quyền quản lý của sở NN&PTNT”

“Hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp) mà trực tiếp là Chi cục Thủy Lợi quản lý trực tiếp các tuyến kênh, rạch nội đồng, đê bao, bờ bao có chức năng tiêu thoát nước nông nghiệp còn các sông lớn, mép bờ cao thuộc thẩm quyền của Sở Giao thông vận tải (Sở GTVT), bởi Sở GTVT có Khu quản lý đường thủy nội địa, cho nên vấn đề bến bãi tập kết VLXD tại ấp 3, xã Đông Thạnh PV nên qua Sở GTVT làm việc vì Sở GTVT cấp phép, quản lý mép bờ sông, giấy phép bến thủy nội địa của các bến bãi, Sở Nông nghiệp không cấp phép và quản lý.”, ông Vũ cho biết thêm.

Theo Quyết định 22/2017/QĐ-UBND của UBND Tp. HCM thì bến bãi của Hộ ông Phạm Trần Trung (bãi cát Tư Trọng) tập kết sát mép sông như thế này là vi phạm nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm

Theo tìm hiểu, tại Quyết định số 28/2016/QĐ-UBND ngày 12/8/2016 về danh mục các tuyến sông, kênh, rạch có chức năng giao thông thủy trên địa bàn thành phố khu vực Hóc Môn tuyến sông Rạch Tra với chiều dài 11.000m điểm đầu từ Ngã ba sông Sài Gòn đến điểm cuối là kênh Thầy Cai thuộc trách nhiệm quản lý trực tiếp của Sở giao thông vận tải.

Bến bãi tập kết cát của Hộ ông Trần Văn Mịch (bãi cát Bảy Sương) và Công ty Đại Nguyên Phát Triển đang hoạt động vi phạm Luật đê điều và gây ô nhiễm môi trường

Ngoài ra, tại Điều 5, chương II Quy định và nguyên tắc xác định, sử dụng hành lang bảo vệ trên bờ của Quyết định 22/2017/QĐ-UBND ngày 18/4/2017 Sông Rạch Tra là sông lớn cấp III, cấp IV theo phân cấp kỹ thuật đường thủy nội địa chiều rộng hành lang bảo vệ trên bờ (tính từ mép bờ cao vào phía bờ) 30m/mỗi bên. Như vậy, chiểu theo Quyết định 22 thì các bến bãi VLXD tại chân cầu Rạch Tra, ấp 3, xã Đông Thạnh tính từ mép bờ cao vào phía bờ là 30m (đến chân bãi VLXD là 30m). So với quy định trên, hiện các bến bãi VLXD tại ấp 3 xã Đông Thạnh hoàn toàn vi phạm Quyết định 22/2017/QĐ-UBND của UBND thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi đó, nhiều năm qua tại các biên bản kiểm tra của các Sở, ngành chức năng và UBND huyện Hóc Môn đối với các bến bãi trên không hề phát hiện ra các vi phạm và yêu cầu các bến bãi này thực hiện nghiêm theo quy định. Phải chăng các đoàn đến kiểm tra không làm hết trách nhiệm, hay có thế lực nào đứng ra “lo lót” nên các đoàn kiểm tra ra về đều trong vui vẻ?

Cần xử lý nghiêm và khẩn trương di dời

Làm việc với phóng viên Moitruong.net.vn, ông Nguyễn Văn Trực – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Những thông tin mà quý báo phản ánh, Sở Nông nghiệp có nắm được, hiện nay trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh không có đê, khi các bến bãi muốn xin cấp phép không phải thông qua Sở nông nghiệp vì tuyến sông Rạch Tra thuộc tuyến đường thủy nội địa cấp IV do Khu quản lý đường thủy nội địa thuộc Sở GTVT và UBND huyện Hóc Môn cấp phép và quản lý trực tiếp các bến bãi. Hiện Sở Nông nghiệp chỉ quản lý đê và phạm vi hành lang đê, bờ bao. Tại vị trí khu vực cầu Rạch Tra, ấp 3, xã Đông Thạnh mà báo chí phản ánh là không có đê, thuộc phạm vi hành lang bảo vệ bờ sông Rạch Tra.”.

Ông Nguyễn Văn Trực – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Việc quản lý, xử lý những vi phạm các bến bãi VLXD tại ấp 3, xã Đông Thạnh thuộc thẩm quyền của sở GTVT và huyện Hóc Môn”

Khi được hỏi hiện nay các bến bãi VLXD tại ấp 3 xã Đông Thạnh tập kết sát mép sông có đúng theo quy định? Ông Trực thông tin: “Vấn đề này không thuộc thẩm quyền Sở nông nghiệp, nên chúng tôi không trả lời được, mà thuộc Sở giao thông vận tải cấp phép hoạt động bến thủy nội địa. Vì theo quy định của nhà nước, đơn vị nào cấp phép thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm, còn Sở GTVT cấp phép, quản lý sai không đúng quy định thì Sở GTVT phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, về mặt chủ quan nào đó, bất kì cơ quan chức năng hay người dân nhìn thấy vậy là không đúng, bờ sông phải bảo vệ không được kinh doanh trên đó, nhà nước đã ra quy định rất rõ. Vì vậy, đơn vị quản lý nhà nước trực tiếp là UBND huyện Hóc Môn và Sở GTVT cần phải kiên quyết ngăn chặn kịp thời không cho các đơn vị kinh doanh trên đó. Vấn đề đặt ra, trách nhiệm của Sở GTVT làm sao thực hiện tốt chức năng quản lý những việc mà nhà nước giao cho từ mép bờ cao vào 30m nằm trên tuyến đường thủy nội địa cấp IV do Sở GTVT quản lý.”.

“Những bến bãi hoạt động gây ô nhiễm môi trường thì phải xử lý thật nặng và rút giấy phép hoạt động” –Ông Nguyễn Văn Trực – Phó Giám đốc sở NN&PTNT nói

“Các bến bãi do Sở GTVT cấp phép, nhưng quá trình hoạt động vi phạm huyện Hóc Môn phải quản lý và xử lý kịp thời những sai phạm đó, chứ không thể huyện cứ đùn đẩy lên cho Sở cấp phép thì Sở phải quản lý. Vì huyện thực hiện chức năng quản lý, giám sát và thu thuế trực tiếp thì huyện phải kiểm tra và ra Quyết định xử phạt các đơn vị vi phạm theo thẩm quyền. Ngoài ra, trong các lần phối hợp kiểm tra phía Sở giao thông vận tải chủ trì cũng không gửi các biên bản kiểm tra và Quyết định xử phạt các đơn vị VLXD tại ấp 3, xã Đông Thạnh tới Sở Nông nghiệp, nên hiện Sở không có. Ngoài ra, liên quan đến trách nhiệm trong việc cấp phép, quản lý đối với các bến bãi, đề nghị PV qua làm việc với Sở GTVT vì Sở này cấp phép. Tuy nhiên, với vai trò về mặt quản lý nhà nước của Sở Nông nghiệp cũng có một số đề nghị đối với việc cấp phép các bến bãi tại ấp 3, xã Đông Thạnh như sau: Sở GTVT và chính quyền địa phương cần phải xem xét lại và căn cứ vào hiện trạng môi trường, đất đai, biến đổi khí hậu, mực nước triều dâng, biến động tự nhiên, dòng chảy để Sở GTVT căn cứ vào quy định quản lý mép đê điều trước khi cấp phép nhằm đảm bảo tính an toàn, tài sản cho người dân cũng như giao thông thủy, đường bộ trên khu vực đó. Bên cạnh đó, cần căn cứ vào các quy định của nhà nước để thẩm định cấp phép, khi đủ điều kiện hoạt động phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện có đúng quy định về cấp phép bãi VLXD hay không. Ngoài ra, đối với các bến bãi hoạt động gây ô nhiễm, bụi, khói, tiếng ồn, người dân có ý kiến, địa phương lập biên bản thì nên rút giấy phép và đình chỉ hoạt động. Có như vậy mới thực hiện tốt chức năng quản lý và ổn định người dân.” – ông Trực thông tin thêm.

Như vậy, trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh và huyện Hóc Môn có đã quá rõ. Có hay không việc buông lỏng quản lý nhà nước về mặt cấp phép, đất đai, môi trường của Sở GTVT và huyện Hóc Môn? Trách nhiệm của Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh đến đâu?

Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong bài tiếp theo.

Hải Phong – Đào Dũng

Hải Phong – Đào Dũng