Côn Đảo, Phú Quốc nguy cơ thành đảo rác
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 08:02, 14/05/2019
Phú Quốc được xem là đảo Ngọc, thế nhưng thời gian gần đây, do ý thức của người dân và du khách chưa cao đã biến nơi đây rác thải nhựa ngập tràn ở các bãi biển.
Tại bãi Thơm và Cửa Dương, rác thải tràn khắp nơi, các đội thu gom chất rác thành đống để tràn ra đường. Trong khi đó, ở bãi rác Cửa Dương, tình trạng quá tải tại đây khiến rác ngập khắp cả lối vào, mùi hôi ở bãi rác mặc sức “tra tấn” người dân và du khách khi đi qua đây.
Rác thải ở Côn Đảo
Chị Trần Hà, một du khách đến từ TPHCM cho biết, khi qua đoạn đường có bãi rác để đến khu du lịch Vinpearl dù đã bịt khẩu trang nhưng tôi vẫn thấy mùi hôi nồng nặc.
Còn bà Sara, một người nước ngoài sinh sống làm việc tại hòn đảo này chia sẻ trên mạng xã hội về tình hình rác thải ở Phú Quốc và việc bà dành thời gian đi dọn rác: “Gần nơi tôi sống đã nhanh chóng phát triển thành bãi rác. Tôi thường xuyên đến đó để dọn dẹp nhưng rác nhựa vẫn tiếp tục tấp vào”.
Ông Lê Quang Minh – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Quốc, cho biết: “Hiện nay nhà máy rác tại xã Hàm Ninh vẫn đang hoạt động và tiếp nhận khoảng 100 tấn rác/ngày. Tuy nhiên, so với lượng rác phát sinh, hoạt động của nhà máy xử lý rác thải vẫn chưa đảm bảo xử lý hoàn toàn lượng rác được thu gom. Do đó, rác thải tồn động nhiều ở các bãi rác lộ thiên”.
Theo ông Minh, hiện nay đã thu gom được 70-85% chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện. Số này được đưa đến nhà máy xử lý rác thải tại xã Hàm Ninh trong khi các bãi chứa rác lộ thiên xử lý khoảng 150 tấn/ngày. Tại các vùng ven, khu vực nông thôn, việc thu gom vẫn còn hạn chế, đa số người dân khu vực nông thôn tự thu gom rồi đốt.
Chỉ là một huyện đảo nhỏ thuộc tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu với dân số chưa tới 10 ngàn người nhưng lượng khách du lịch đặt chân đến huyện đảo này đã lên tới mức hơn hai trăm ngàn người một năm. Ngoài việc giúp ngành du lịch ở Côn Đảo phát triển thì chuyện phát sinh vấn đề ô nhiễm do rác thải từ lượng lớn du khách cộng với rác thải từ sản xuất kinh doanh, sinh hoạt, xây dựng và vô số những hoạt động khác đã dẫn đến tình trạng quá tải cho việc xử lý rác thải. Hiện nay, số lượng rác cũng đang chất thành núi và chưa tìm ra biện pháp tối ưu để xử lý dứt điểm.
Tự hỏi với dân số ít ỏi như vậy làm sao mà lượng rác thải phát sinh hàng ngày lại lên tới 15 tấn/ngày và trong số 15 tấn rác đó có những loại rác gì, loại nào có thể tái chế, tái sử dụng hay không xử lý được nên phải tiến hành tiêu hủy theo cách thông thường như chôn lấp và một số thì đóng gói đưa vào đất liền xử lý?
Ông Lê Văn Phong – Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, hiện toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt tại huyện này được thu gom về bãi rác khu vực Bãi Nhát rộng 3.800m2, chôn lấp đơn giản. “Mỗi ngày huyện đảo này thải khoảng 15 tấn rác các loại nhưng lò đốt chỉ xử lý được khoảng 5 tấn/ngày. Do đó, mỗi ngày huyện tồn thêm khoảng 10 tấn. Năm 2018, lượng rác thải tồn đọng, không thể xử lý hết ở huyện đảo đã lên đến 70.000 tấn”- ông Phong nói.
Bãi rác ở đây đã quá tải. Do chỉ được chôn lấp thông thường nên mùi hôi thối và nước rỉ rác tràn lan, gây ô nhiễm nguồn nước, đe dọa môi trường bãi tắm rất lớn.
Ngọc Linh (t/h)