Xã Tân Chi (Tiên Du, Bắc Ninh) – Bài 2: Chính quyền làm ngơ cho bãi trung chuyển VLXD trái phép
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 10:23, 24/05/2019
Dù đang trong thời gian cao điểm mùa mưa bão (15/5 – 31/10) nhưng bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng Hòa Trâm vẫn hoạt động rất tấp nập, các phương tiện vận chuyển VLXD quá tải, phá nát đường gây ô nhiễm môi trường, bụi mù mịt làm ảnh hưởng đến người tham gia giao thông khiến người dân vô cùng bức xúc.
Mặc dù bị xử phạt và yêu cầu dừng hoạt động nhưng Bãi trung chuyển VLXD Hòa Châm vẫn vô tư hoạt động bất chấp pháp luật
Theo ghi nhận của PV, tại bãi trung chuyển VLXD Hòa Châm những chiếc xà lan đang neo đậu trái phép được những máy xúc múc cát từ tàu lên các xe “3 chân, bốn cẳng” để vận chuyển đi san lấp. Tại đây các xe quá khổ, quá tải được cơi nới thành thùng che chắn sơ sài để vận chuyển đi. Mỗi lần xe chạy làm rung lắc rồi để lại một lớp cát dày trên mặt đất rồi kéo ra quốc lộ 17 tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập, khiến bà con và người tham gia giao thông qua cung đường này hết sức bất bình.
Để làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo UBND xã Tân Chi trong công tác kiểm tra, xử lý bãi trung chuyển VLXD Hòa Châm, trao đổi với PV, ông Đỗ Đình Quang – Chủ tịch UBND xã Tân Chi cho biết: “Bến bãi nhà Hòa Châm hoạt động trái phép. Thời gian qua, xã cũng đã có những cuộc kiểm tra, xử phạt yêu cầu bến bãi trung chuyển VLXD Hòa Trâm dừng hoạt động, nhưng trong quá trình xử lý bên cạnh việc tuân thủ pháp luật vẫn còn những khó khăn nhất định nên xã đang loay hoay. Ngay trong chiều nay (23/5) xã sẽ tổ chức họp, quán triệt về tình trạng trung chuyển VLXD trái phép tại bãi Hòa Trâm, giao cán bộ kiểm tra, yêu cầu đơn vị tự giải tỏa, nếu đơn vị không tự giải tỏa thời gian tới chúng tôi sẽ có biện pháp cưỡng chế.”.
Ông Đỗ Đình Quang – Chủ tịch UBND xã Tân Chi khẳng định: “Bãi trung chuyển VLXD Hòa Châm đang hoạt động trái phép, nhưng xã còn nhiều cái khó nên chưa xử lý được”
Được biết, thực hiện công văn số 348/UBND – TNMT ngày 22/4/2019 của chủ tịch UBND huyện Tiên Du về việc dừng hoạt động tại các bến bãi chưa đủ điều kiện hoạt động, Ngày 25/4/2019 UBND xã Tân Chi đã ra thông báo số 48/TB – UBND về việc dừng hoạt động tại các bến bãi chưa đủ điều kiện hoạt động trên địa bàn, trong đó bến bãi Hòa Châm nhưng không hiểu vì lí do gì bến bãi này vẫn “ung dung” hoạt động.
Quyết định xử phạt yêu cầu tháo dỡ, giải toả công trình của UBND xã Tân Chi đối với Bãi trung chuyển VLXD Hòa Châm
Hơn nữa, ngày 29/3/2019 UBND xã Tân Chi đã ban hành quyết định xử phạt số 20/QĐ – XPHC với hành vi xây dựng công trình nhà ở trong phạm vi đê điều quy định tại khoản 5, điều 7 Luật Đê điều với số tiền 3 triệu đồng cùng với đó là biện pháp khắc phục hậu quả tháo dỡ, giải tỏa công trình, mố cẩu vi phạm.
Hồ sơ kiểm tra, xử phạt được UBND xã Tân Chi thiết lập rất chặt chẽ nhưng dường như đó chỉ là hình thức “làm đẹp” hồ sơ, lấy lệ để có cái báo cáo với các cơ quan chức năng.
Các hoạt động bốc xúc cát từ tàu lên xe ô tô chở đi san lấp vẫn diễn ra nhộn nhịp
Trước đó, ngày 3/7/2018, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống đã phản ánh về tình trạng bãi trung chuyển VLXD Hòa Châm tại chân cầu Hồ, thôn Chí Trung, xã Tân Chi, huyện Tiên Du hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong nhân dân. Tại thời điểm làm việc, ông Nguyễn Phụng Nghĩa – Phó chủ tịch UBND xã Tân Chi thì vị lãnh đạo này cũng khẳng định chắc như đinh đóng cột với PV y như ông Quang rằng “sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định, yêu cầu dừng hoạt động bãi trung chuyển VLXD trái phép Hòa Châm”. Đúng là lời nói gió bay, suốt từ đó đến nay, bãi Hòa Châm vẫn hiên ngang hoạt động còn chính quyền xã Tân Chi thì năm này qua năm khác chỉ ra thông báo yêu cầu dừng hoạt động, xử phạt rồi để đó. Phải chăng chính sự thiếu kiên quyết, bao che của chính quyền xã Tân Chi đã khiến bến bãi Hòa Châm “nhờn” luật, coi thường pháp luật.
Mặt khác, theo ghi nhận của PV tại chân cầu Hồ lực lượng Cảnh sát giao thông thường xuyên chốt chặn ở đó nhưng những xe quá khổ quá, quá tải từ bến bãi Hòa Châm đi ra vẫn dễ dàng qua mặt lực lượng cảnh sát giao thông. Vậy trách nhiệm của cảnh sát giao thông ở đây là gì khi vi phạm đã rõ như ban ngày, ảnh hưởng đến an toàn giao thông mà không hề có biện pháp ngăn chặn, xử lý.
Mặc dù có chốt chặn của CSGT nhưng các xe quá tải trọng, cơi nới thùng thành chở cát từ bãi Hoà Châm ra đường vẫn vô tư qua mặt lực lượng này
Vì sao bến bãi Hòa Châm vẫn vô tư hoạt động bất chấp pháp luật mà không bị xử lý? Phải chăng có “sân sau” đang “tiếp tay”, che chở cho bến bãi này hoạt động? Trách nhiệm của UBND huyện Tiên Du đến đâu?
Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Thuỳ Dương – Thư Phong