Tìm thấy 414 triệu mảnh rác nhựa trên đảo nhỏ ở Ấn Độ Dương
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 03:32, 23/05/2019
Theo báo The Guardian, phát hiện của các nhà hải dương học vừa được đăng tải trên tạp chí Nature. Họ ước tính núi rác khổng lồ ở quần đảo Cocos (thuộc Úc) nặng đến 238 tấn, dù cư dân sinh sống ở đây chỉ 600 người.
Nghiên cứu tiếp tục đánh động về tình trạng ô nhiễm đại dương với tốc độ cấp số nhân trên toàn cầu, và cả thói quen sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dùng 1 lần.
“Ô nhiễm rác nhựa giờ đây có ở khắp các đại dương, những hòn đảo hẻo lánh thế này là nơi lý tưởng để có một cái nhìn khách quan về lượng rác đang trôi nổi trên toàn cầu” – bà Jennifer Lavers, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Tasmania (Úc), cho biết.
Lượng rác khổng lồ tích tụ trên một bãi biển thuộc quần đảo Cocos thuộc Úc
Đáng chú ý, các nhà khoa học nhận thấy số rác bị chôn ở độ sâu 10cm dưới bãi cát nhiều hơn 26 lần so với lượng rác nhìn thấy bằng mắt. Điều này gợi ý các nghiên cứu trước đó có thể đánh giá quá thấp mức độ rác tích tụ.
Rác nhựa trên quần đảo Cocos chủ yếu là các vật dụng dùng một lần, như chai lọ, dao nĩa, túi xách, ống hút, bàn chải đánh răng… Nhưng đáng kể nhất là gần 1 triệu đôi giày trôi giạt đến nơi này.
“Quần đảo Cocos (Keeling) được xem là thiên đường hoang sơ cuối cùng của Úc, nguồn thu nhập chính của người dân là du lịch. Tuy nhiên, tác động của ô nhiễm ngày càng khó tránh khỏi… Điều đáng buồn là tình trạng của Cocos không phải độc nhất, các hòn đảo từ Bắc Cực đến Nam Cực đều như vậy” – bà Lavers cảm thán.
Đảo Cocos có lượng rác thải nhựa thấp hơn đảo Henderson, song tổng lượng rác ở đây nhiều hơn đảo Henderson 38 triệu mảnh rác thải nhựa, tương đương 17 tấn. Đồng tác giả nghiên cứu với Lavers, nhà nghiên cứu Annett Finger (Đại học Victoria) cho biết, ước tính khoảng 12,7 triệu tấn rác thải nhựa bị thải ra các đại dương trên thế giới, chỉ tính riêng năm 2010, vào khoảng 5,25 triệu mảnh rác thải nhựa.
“Ô nhiễm rác thải nhựa là mối đe dọa nguy hiểm với đời sống hoang dã, và tiềm ẩn những tác động xấu tới cuộc sống của con người trong khu vực bị ô nhiễm, cụ thể nảy sinh nhiều nguy cơ sức khỏe”, nhà nghiên cứu Finger nhận định. Giải pháp hữu hiệu duy nhất, đó là giảm dần việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm từ nhựa, cũng như quản lý chặt chẽ để ngăn việc thải rác thải nhựa xuống đại dương.
Hồng Nhung (T/h)