Bắc Tân Uyên (Bình Dương) – Bài 1: Hàng loạt doanh nghiệp luyện cán thép “bức tử” môi trường, người dân kêu cứu
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 03:35, 08/06/2019
XEM VIDEO CLIP: Người dân tố cáo các doanh nghiệp luyện cán thép tái chế gây ô nhiễm môi trường, tra tấn người dân
Nhiều năm kêu cứu vì ô nhiễm
Phản ánh đến tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn, các hộ dân sinh sống quanh khu vực các nhà máy luyện cán thép tái chế tại ấp 6, xã Thường Tân, huyện Bắc Tân uyên, tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua, 05 xưởng sản xuất luyện cán thép phế thải của công ty Tuấn Tú; Công ty Luyện cán thép Việt Sinh; Công ty luyện cán thép Phương Dung; Công ty sản xuất và thương mại thép Hồng Đức; công ty SX TM Huynh Đệ Tư Gia liên tục xả khói, bụi, nước thải và gây tiếng ồn ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Vấn đề này, diễn ra từ lâu nhưng các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, và chính quyền địa phương vẫn thờ ơ không xử lý, khiến môi trường sống xung quanh bị ô nhiễm nặng nề.
Các “thủ phạm” đang ngày đêm bức tử môi trường, đe dọa sức khỏe của người dân
Ông Nguyễn Văn Bình tại ấp 6, xã Thường Tân cho biết: người dân xóm Dẫy và xóm Chồi thuộc ấp 6 chúng tôi phản ánh, kiến nghị nhiều lần lên xã và huyện về các xưởng luyện thép gây ô nhiễm môi trường lắm rồi, nhưng đến nay có được trên Tỉnh, huyện quan tâm giải quyết cho đâu. Trước đây có một xưởng thôi, trải qua nhiều lần đổi chủ, do ăn nên làm gia nên hiện nay thêm mấy xưởng luyện cán sắt nữa, mà các xưởng này đều là mẹ con của gia đình họ. “Tại cuộc họp nào người dân cũng đem vấn đề mùi hôi, khói bụi do mấy công ty luyện cán thép này ra kiến nghị, nước thải ra đen thui à, mỗi khi họ nấu khói bay lên đen thui giữ lắm, mịt mù luôn. Do hít phải khí thải khét lẹt của lò sắt khiến chúng tôi rất khó thở và tức ngực. Mấy ruộng bưởi của đứa cháu tôi trồng gần mấy xưởng sắt bám muội đen thui, không sống được. Họ thường xuyên nấu thép vào ban đêm, khiến nhà dân luôn bị cúp điện mà vấn đề cúp điện ở đây xảy ra thường xuyên nhiều năm nay rồi. Các xưởng sắt này hoạt động từ 8h tối đến 6h sáng ngày hôm sau, mỗi khi gặp công nhân về mặt mũi ai cũng đen thui à” – Bà Nguyễn Thị Thành vợ ông Bình bức xúc.
Lò luyện thép của công ty Tuấn Tú không được trang bị hệ thống xử lý khí thải nên mỗi khi hoạt động là khí và khói thải phát tán ra môi trường bay thẳng vào nhà dân
Cùng nỗi bức xúc, bà Nguyễn Thị Mai người dân ấp 6 cho biết: Mười mấy năm nay rồi, mỗi khi các xưởng nấu thép tái chế này đi vào hoạt động là khói bụi mịt mù, mùi rất hôi và khét. Trời nắng thì đỡ, trời mưa nó tủa xuống mịt mù nhà cửa ngột ngạt rất khó thở, khi đó phải vô nhà đóng cửa nhưng chịu không nổi, mùi hôi và khét lắm, cây trái trồng năng suất kém, do thường xuyên hít phải khí thải nên mọi người luôn có cảm giác nghẹt thở, tức ngực, ho suốt ngày thôi à. Ngoài ra, xưởng nấu sắt thải ra chất độc gì khiến các mái tôn nhà bị ố và mục hết, những máng nước dân hứng để sinh hoạt có nhiều chất độc bám vào nên hiện nay không dùng được. Người dân nơi đây phàn nàn về vấn đề này nhiều lắm rồi. Qua nhà báo, chúng tôi kiến nghị cấp trên, cần xem khắc phục thế nào, làm sao đừng để nhà máy nấu sắt thải chất độc khói, bụi khét lẹt ra môi trường nữa.
Nhà xưởng cán, luyện thép của các công ty không được đầu tư nên rất xập xệ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ và tai nạn lao động
Thép sau khi cán xong không được vận chuyển vào kho mà để hỗn độn trong khu sản xuất
Theo tìm hiểu của PV Moitruong.net.vn được biết, mấy công ty luyện cán thép tái chế đều là người thân trong gia đình (của con trai, con gái, con rể), quê Đa Hội, Từ Sơn, Bắc Ninh, công nhân sản xuất hầu hết từ phía Bắc. Đi thực tế, hàng chục nóc nhà dân dù mái ngói, mái tôn đủ các màu nhưng đều bị nhuộm kín một màu xám đen do bụi. Người dân cho rằng đó là những ảnh hưởng từ hoạt động của các xưởng sắt tái chế. Dễ quan sát thấy bằng trực quan, trên mái tôn nhà xưởng bám một lớp muội đen xì, bụi phủ kín mái nhà, bụi loang lổ trên tường, trước sân nhà, bụi bám đen trên các cây trồng trong vườn nhà. Bụi là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân nơi đây. Tại đây chúng tôi bắt gặp cảnh tượng người già, trẻ nhỏ phải luôn sống trong nỗi bất an về môi trường khói bụi, tiếng ồn của các xưởng nấu luyện thép. Chúng tôi không khỏi ngậm ngùi sót thương cho cuộc sống của những người dân nghèo nơi đây khi đang phải sống “ngập ngụa” trong khói bụi suốt nhiều năm qua.
Nhà tàn dư của khói thải đen xì còn bám lại trên mái nhà xưởng của Công ty thép Việt Sinh
Công ty thép Việt Sinh ngang nhiên lấn chiếm đất công để tập kết sắt phế liệu mà không bị các cơ quan chức năng xử lý
Công ty thép Việt Sinh để phế liệu tràn lan ngoài sân, lấn chiếm hết lối đi, nếu có hỏa hoạn, cháy nổ xảy ra thì hậu quả rất khó lường
Các nhà xưởng nấu thép đều rất lụp xụp, tạm bợ. Muốn tiếp cận bên trong các nhà máy này quả không dễ dàng, bởi họ hoạt động đều trong một khu vực, các tường bao được xây kín cổn cao tường, như một căn cứ địa vững chắc “bất khả xâm phạm” mỗi khi xe chở nguyên liệu, phế liệu về công nhân ra mở cửa rồi lại được cửa đóng then cài chặt chẽ. Điều đáng nói, hiện công ty luyện cán thép Việt Sinh đang lấn chiếm diện tích đất công để tập kết sắt thép phế liệu, gây nguy cơ mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường. Được biết sự việc này diễn ra trong thời gian dài nhưng không bị chính quyền huyện và xã vào cuộc xử lý.
Xỉ từ quá trình sản xuất thép thuộc danh mục chất thải nguy hại không được lưu giữ theo quy định mà được Công ty thép Hồng Đức đổ hết ra ngoài môi trường, vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ môi trường
Xỉ trong quá trình sản xuất thép cũng được vứt lăn lóc ngoài môi trường
Hiện nay các xưởng luyện thép tái chế, đang nằm trọn trong khu dân cư, khoảng cách các xưởng nấu thép đến nhà dân có 80m, qua nhà dân bắt gặp cảnh tượng người già, trẻ nhỏ phải luôn sống trong nỗi bất an về môi trường khói bụi, tiếng ồn của các xưởng nấu luyện thép gây ra. Ai sẽ có trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người dân nơi đây?
Phụng sự nhân dân, nhưng tại sao chính quyền các cấp của tỉnh Bình Dương không thấu được những tiếng kêu than về ô nhiễm đang có phần tuyệt vọng của người dân nơi đây? Trong khi đó trao đổi với PV người dân nơi đây cho biết, họ thường xuyên phải sống và đang dần “chết mòn” vì khói bụi, tiếng ồn do các xưởng nấu tái chế thép gây ra nhiều năm qua. Vậy Trách nhiệm lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương, các Sở ngành chức năng và huyện Bắc Tân Uyên đến đâu? trách nhiệm này thuộc về ai? Phải chăng tỉnh Bình Dương đang đặt lợi ích phát triển kinh tế lên hàng đầu mà coi nhẹ vấn đề môi trường và cuộc sống của người dân nơi đây?
Dân kêu cứu, bao giờ mới được giải quyết?
Tình trạng ô nhiễm nặng nề đến mức hàng loạt hộ gia đình phải thường xuyên đóng chặt cửa để ngăn mùi, ngăn bụi. Thậm chí, có những hôm gió lớn, dù đã đóng cửa nhưng mùi khí thải bay vào khiến nhiều người không thể ngủ nổi, nhất là người già và trẻ nhỏ.
Bà Nguyễn Thị Chinh, người dân ấp 6 bên những lá đơn kiến nghị các nhà máy luyện cán thép gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của gia đình bà và người dân trong ấp
Theo bà Nguyễn Thị Chinh, người dân ấp 6 phẫn nộ: Các nhà máy thép này hoạt động thường xuyên xả khói bụi ra nhà dân, mùi rất khét và khó thở, nước thải đổ hết ra bên ngoài chúng tôi nói hoài mà họ có thực hiện đâu, trước sự việc này UBND xã cũng đã xuống làm việc với các xưởng sắt này nhiều lần nhưng họ có nghe đâu mà cứ trơ trơ ra, nhờ nhà báo kêu tới Tỉnh và các cấp ngành giúp đỡ dân chúng tôi đỡ khổ vì khói bụi, chứ nơi đây ô nhiễm lắm. Nhà tôi có con nít và người già mỗi khi hít phải khói bụi của xưởng sắt thải ra khiến mắt cay xè, khó thở, cháu bé ốm yếu triền miên.
Các xưởng cán, luyện thép ngay sát nhà dân, chỉ cách 1 bức tường
Từ khi các xưởng sắt đi vào hoạt động đến giờ, UBND xã nhiều lần xuống làm việc và họ hứa khắc phục nhưng đến nay có thấy gì đâu, biết bao nhiêu biên bản rồi, tôi vẫn giữ đây mà đến nay các xưởng sắt này vẫn cứ trơ trơ thôi. Các xưởng sắt này nằm giữa khu dân cư chẳng ai thích đâu, mà không biết cấp trên căn cứ vào đâu lại cho các xưởng sắt này hoạt động nằm giữa khu dân cư gây ô nhiễm như vậy, nước thải của các xưởng sắt này thải ra, khi thò chân xuống ngứa đỏ cả chân. Qua lần này nếu các xưởng sắt không khắc phục khí thải, bụi chúng tôi sẽ thưa tới tỉnh Bình Dương và môi trường tỉnh để kiểm tra, xử lý và yêu cầu di dời các nhà máy này đi nơi khác.
Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Minh Can – Chủ tịch UBND xã Thường Tân thừa nhận: thời gian qua, tại các cuộc tiếp xúc cử tri người dân có phản ánh về vấn đề khói, bụi, tiếng ồn gây ô nhiễm từ các xưởng sản xuất luyện cán thép, sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân xã cũng đã báo cáo lên huyện cũng như phòng Tài nguyên và môi trường để phối hợp xuống kiểm tra, theo thẩm quyền của xã sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh sẽ báo lên huyện để kiểm tra xử lý, xã chỉ quản lý về vấn đề an ninh trật tự, không có thiết bị đo kiểm môi trường nên phải nhờ cấp trên.
ông Nguyễn Minh Can – Chủ tịch UBND xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên khẳng định: “Thời gian qua, người dân đã nhiều lần phản ánh các doanh nghiệp luyện, cán thép này hoạt động gây ô nhiễm môi trường”
Tại ấp 6, hiện có 05 công ty luyện cán thép nhưng 02 công ty đã ngưng hoạt động đó là công ty TNHH thép Phương Dung và Công ty TNHH SX TM Huynh Đệ Tư Gia đã chuyển sang sản xuất giấy. Hiện hoạt động chỉ có công ty thép Tuấn Tú; công ty thép Hồng Đức và công ty luyện cán thép Việt Sinh.
Trước đây các xưởng nấu thép này hoạt động có phát sinh nhiều khói bụi, mùi hôi, hệ thống xử lý môi trường rất thô sơ, vì trước họ đốt bằng củi, than, nay chuyển sang đốt bằng dầu, tuy nhiên về vấn đề môi trường tại các xưởng sắt này hiện nay cũng chưa thể xử lý triệt để theo quy định, khiến người dân có ý kiến.
Trong bài tiếp theo chúng tôi sẽ thông tin những vi phạm nghiêm trọng trong thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của các xưởng nấu thép tái chế này và làm rõ trách nhiệm lãnh đạo UBND huyện Bắc Tân Uyên trong công tác quản lý nhà nước./.
Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin!
Hải Phong – Hoàng Minh