Đà Nẵng: Nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành khu liên hợp xử lý chất thải rắn

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 08:30, 23/06/2019

Moitruong.net.vn – Với lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh như hiện nay, dự tính khoảng đến năm 2020, các ô rác trong bãi rác Khánh Sơn sẽ đạt cao trình thiết kế.

Ngày 20/6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự án nâng cấp bãi rác Khánh Sơn.

Nhằm lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, giới khoa học cũng như các tổ chức, đoàn thể, ngày 20/6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự án nâng cấp bãi rác Khánh Sơn.

Bãi rác Khánh Sơn đi vào hoạt động từ năm 1992, đến nay khối lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom, vận chuyển đến Khu xử lý chất thải Khánh Sơn ngày càng nhiều (trung bình khoảng 1.100 tấn/ngày), tập trung đến từ các quận: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, trong đó khu vực Hòa Vang (nông thôn) khoảng 68 tấn/ngày, dự tính đến năm 2020, các ô rác tại đây sẽ đạt cao trình thiết kế.

Xây dựng Khu liên hợp xử lý rác gắn liền với lợi ích của người dân

Trong khi đó, thành phố chỉ có khu vực xử lý chôn lấp rác tại Khánh Sơn, nguy cơ thành phố đối mặt với vấn đề an ninh rác là thực sự nghiêm trọng. Do đó, việc tổ chức triển khai các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt của thành phố là rất cấp bách.

Trước yêu cầu đó, lãnh đạo thành phố đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường xúc tiến việc nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn của thành phố.

Hiện nay, Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn thành phố tích hợp với Dự án Đốt rác sinh hoạt phát điện Đà Nẵng do Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam liên doanh với Công ty Everbright International (Hồng Kông) lập đề án với công suất đốt rác 650 tấn/ngày, dự kiến sẽ đưa vào khai thác trong năm 2021.

Phát biểu tại hội nghị, nhiều đại biểu nhất trí cao với việc cần sớm triển khai Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu về xử lý chất thải của Đà Nẵng trong quá trình phát triển.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng phải cẩn trọng trong việc lựa chọn công nghệ cho các nhà máy xử lý rác; rút kinh nghiệm ở các nước phát triển, nhất là việc lựa chọn công nghệ xử lý rác không kiểm soát chặt có thể ảnh hưởng đến môi trường.

Mặt khác, nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện của Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam nằm sát đường Hoàng Văn Thái và khu dân cư kế cận. Do đó, bên cạnh các yếu tố về kinh tế xã hội của dự án, việc lựa chọn công nghệ cần phải chú ý các tiêu chí sau: Không gây ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh; xử lý các nguồn thải triệt để không gây tác hại lâu dài cho không khí và các tầng nước ngầm của khu vực; đồng bộ hóa việc giám sát khói thải môi trường phải được quy định nghiệm ngặt.

Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cần trang bị hệ thống giám sát độc lập có nối mạng và lưu giữ số liệu độc lập, có thể truy xuất các số liệu quá khứ bất cứ lúc nào.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, việc giải quyết mang tính căn cơ hơn, đó là phân loại rác tại nguồn. Kiến trúc sư Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng cho biết: Sự phát triển đô thị và kinh tế càng lớn kéo theo lượng rác thải càng nhiều, trong khi đó phương pháp xử lý rác hiện tại chủ yếu dựa vào chôn lấp với công nghệ thủ công đơn giản.

Lâu nay chúng ta vẫn chỉ nhìn rác là thứ thải bỏ mà không coi đó là tài nguyên. Do vậy, nhà nước vẫn phải trợ giá cho công tác thu gom vận chuyển rác ra bãi chôn lấp. Cơ cấu phân bổ ngân sách đang dành phần lớn cho hoạt động thu gom và vận chuyển chất thải, nên chi phí dành cho xử lý, tiêu hủy chất thải hiện nay vẫn thấp. Vì vậy, cần sớm triển khai tốt việc phân loại rác tại nguồn và coi đây như một giải pháp cốt lõi giải bài toán cho hoạt động xử lý rác thải thành phố.

Muốn việc phân loại rác tại nguồn tạo hiệu quả cho việc đầu tư đồng bộ các khu xử lý các loại rác thải khác nhau tại bãi rác Khánh Sơn, phải nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen tiêu dùng để giảm nguồn phát sinh.

Việc giảm nguồn phát sinh cần thực hiện bằng cách quản lý tốt các sản phẩm có thể tạo thành rác. Việc tái chế các vật liệu để tái sử dụng cũng là một trong những giải pháp cần khuyến cáo đến cộng đồng cân cư, các cơ quan và doanh nghiệp…

Hà An (T/h)

Hà An (T/h)