Bằng chứng những sai phạm của Công ty CP quản lý công trình đô thị Bắc Giang
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 05:33, 15/06/2019
Các chỉ tiêu nước thải ra môi trường vượt ngưỡng cho phép
Hàng trăm người dân tại thôn Lò, xã Tân Mỹ, TP Bắc Giang (Bắc Giang) bày tỏ bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng, sống chung với rác trong một thời gian dài và những nỗi lo sức khỏe.
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Quản lý Đô thị Bắc Giang (CPQLĐTBG), đơn vị trực tiếp quản lý chôn lấp rác thải tại phường Đa Mai, Thành Phố Bắc Giang đã khẳng định nội dung mà các hộ dân kiến nghị là không hoàn toàn chính xác.
Một số hình ảnh PV ghi lại tại bãi chôn lấp rác thải nằm trên địa bàn phường Đa Mai, Thành phố Bắc Giang
Trao đổi với các cơ quan báo chí và các hộ dân có đơn kiến nghị, ông Hoàng Minh Nhật, Giám đốc Công ty CPQLĐTBG cho biết, công ty đã vận hành tất cả các hạng mục của bãi rác theo đúng quy trình, quy định như xử lý rác gọn trong ngày, hố chôn rác được rải vải địa chống thấm, rác được phun chế phẩm EM, đậy bạt, lấp đất, trồng cây xanh bao quanh các hố chôn lấp, phun thuốc diệt ruồi muỗi và xử lý nước rỉ bằng phương pháp hóa học. Mỗi ngày khoảng 300m3 nước rỉ rác qua xử lý bằng phương pháp hóa học được công ty thải ra môi trường.
Kết quả quan trắc năm 2019 cho thấy các mẫu khí đều nằm trong giới hạn cho phép, công nhân của công ty sinh hoạt bình thường ngay tại trụ sở của Đội xử lý (nằm trong khu vực bãi rác) và dòng nước sau khi lắng đọng đưa ra môi trường trong vắt.
Do đó ông Nhật khẳng định “tình trạng ô nhiễm môi trường không phải do bãi rác, nước bị ô nhiễm, gây ngứa là do hàng chục hộ dân chăn nuôi lợn thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm”.
Tuy nhiên, theo kết quả quan trắc và phân tích các thành phần môi trường năm 2019 của Công ty CPQLĐTBG cho thấy, nước thải ra môi trường có hàng loạt chỉ tiêu vượt giới hạn cho phép theo QCVN 40:2011/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp) và QCVN 25:2009/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải của bãi chôn lấp chất thải rắn) như sunfua vượt 1,81 lần, amoni vượt 2,6 lần, tổng N vượt 2,13 lần so với giới hạn cho phép theo QCVN 40:2011/BTNMT.
Được biết, amoni tồn tại trong nước với hàm lượng vượt quá tiêu chuẩn cho phép có thể chuyển hóa thành các chất gây ung thư và các bệnh nguy hiểm khác. Nước nhiễm amoni còn nghiêm trọng hơn nhiễm asen rất nhiều vì amoni dễ dàng chuyển hoá thành chất độc hại, lại khó xử lý. Amoni là chất ảnh hưởng đến sức khỏe con người, khi vào trong cơ thể sẽ chiếm mất oxy khiến cho trẻ bị xanh xao, ốm yếu, thiếu máu, khó thở do thiếu oxy trong máu. Đến một giai đoạn nào đó khi nhiễm amoni nặng sẽ gây ngộp thở và tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Tổng Nitơ, hàm lượng nitơ trong nước thải thường sẽ gây ra tình trạng phát triển mạnh các loại thực vật phù du gây nên tình trạng phú dưỡng hóa, sản sinh ra nhiều chất độc. Chúng gây hại đến thủy sinh vật dưới nước, mất cân bằng sinh thái, dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây tác động xấu đến môi trường.
Sunfua gây mùi hôi khó chịu, ăn mòn các công trình thoát nước bằng bê tông cốt thép bởi sản phẩm các phản ứng đồng hóa từ nguồn ion sunfat trong nước thải và bùn cặn của vi khuẩn khử sunfat, oxy hóa sunfua.
Khi PV đề nghị ông Nhật giải thích về việc các chỉ số sau quan trắc vượt ngưỡng cho phép, vị này cho rằng “khó có thể khắc phục được, các bãi xử lý rác đều có một số chỉ số vượt ngưỡng là chuyện bình thường. Các bãi rác trong nước và kể cả quốc tế cũng không thể đạt tuyệt đối các chỉ tiêu về môi trường. Điều này không ảnh hưởng nhiều tới môi trường vì nước sau thời gian lắng đọng đưa ra môi trường trong vắt”.
Có thể thấy những lý giải của vị này thiếu trách nhiệm trong quản lý và bảo vệ môi trường, an toàn sức khỏe cho người dân địa phương.
Sự việc còn đang chờ sự vào cuộc và hướng xử lý của các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang.
Thanh Mai (T/h)