Nước thải KCN Biên Hòa 1 xả trực tiếp ra sông Đồng Nai
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 04:33, 27/06/2019
KCN Biên Hòa 1 có tổng diện tích 335 ha, được xây dựng từ năm 1963. Đến năm 1990, Công ty phát triển KCN Biên Hòa (Sonadezi) được UBND tỉnh Đồng Nai giao thực hiện nâng cấp đồng thời quản lý hạ tầng của KCN này. Trước tình trạng hệ thống xử lý nước thải của KCN này cũ kỹ, không đáp ứng được việc xử lý nguồn thải, Sonadezi đã thực hiện đấu nối qua KCN Biên Hòa 2 (đóng gần đó) để xử lý nước thải.
Tuy nhiên, do địa hình của KCN Biên Hòa 1 là những đồi đất cao, mấp mô, việc đấu nối hệ thống xử lý nước thải rất khó khăn, chỉ chuyển được 600m3 nước thải mỗi ngày qua KCN Biên Hòa 2 để xử lý. Hiện Sonadezi cũng đã xây dựng hệ thống thoát nước mưa và nước thải riêng biệt, nhưng cũng chỉ đấu nối được 36 doanh nghiệp có hai hệ thống thoát nước riêng. Những doanh nghiệp còn lại chỉ có một hệ thống thoát nước, thì được đấu nối với đường thoát nước chung của KCN xả thẳng ra sông Đồng Nai.
Cống xả nước thải ở phía sau Công ty Nhựa Đồng Nai. (Ảnh: H.S)
Tại buổi làm việc với ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chiều 25/6, lãnh đạo Tổng công ty CP Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi) cho hay nước thải nhiều nhà máy trong khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 đang đổ ra sông Đồng Nai.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Chủ tịch HĐQT Sonadezi, cho hay sở dĩ doanh nghiệp được phép làm việc này vì Luật Bảo vệ Môi trường 2014 quy định những đơn vị nào tự xử lý nước thải thì được xả ra sông. Những doanh nghiệp nào chưa có nhà máy xử lý thì ký hợp đồng với công ty hạ tầng.
Do đó, nhiều nhà máy trong KCN Biên Hòa 1 sau khi xử lý nước thải thì đổ trực tiếp ra sông Đồng Nai, số còn lại được đưa về KCN Biên Hòa 2 để xử lý.
Bà Hằng thông tin trước đây có tình trạng doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường nên UBND TP.HCM đề nghị tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh việc chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 thành khu thương mại, dịch vụ.
“Hiện tình trạng ô nhiễm môi trường đã giảm do các sở ngành tăng cường kiểm soát cũng như nhiều doanh nghiệp cải thiện công nghệ, tìm nơi khác đầu tư”, bà Hằng khẳng định.
Nước thải từ nhiều nhà máy trong KCN Biên Hòa 1 sau khi xử lý đổ thẳng ra sông Đồng Nai. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM.
Liên quan đến vấn đề môi trường, ông Võ Văn Thưởng cho rằng việc lấp đầy tại các KCN ở tỉnh Đồng Nai sẽ càng khó hơn bởi yêu cầu ngày càng khắt khe trong việc bảo vệ môi trường. Nếu như trước đây doanh nghiệp nào xin vào KCN cũng được nhận thì nay phải cân nhắc, lựa chọn kỹ càng. Do các KCN ở tỉnh Đồng Nai đều liên quan đến sông Đồng Nai nên phải coi trọng việc kiểm soát ô nhiễm.
“Có thời điểm Đồng Nai là tâm điểm của vấn đề ô nhiễm môi trường liên quan đến sông Đồng Nai nên không thể lặp lại việc này. Kiểm soát môi trường ngày càng khắt khe nên đòi hỏi sự cân bằng giữa phát triển và làm sạch phải đồng hành, thậm chí là ưu tiên công nghệ sạch”, ông Thưởng cho hay.
Ngọc Linh (t/h)