Bang Alaska ( Mỹ) ô nhiễm không khí đáng báo động
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 05:30, 11/07/2019
Alaska là một trong hai tiểu bang không giáp với bất kỳ tiểu bang nào khác của Mỹ, được mệnh danh là “hộp băng” với những ngày dài lạnh giá. Trong vài năm qua, nhiệt độ của bang Alaska tăng đột biến, một phần do tình trạng băng trên biển tan và Bắc Cực ấm lên. Tình trạng nóng bất thường đã tác động nghiêm trọng tới các cộng đồng địa phương, vốn đã quá quen với những ngày nhiệt độ dưới mức 0 độ C.
Ô nhiễm không khí tại Alaska ( Ảnh minh họa )
Giới chức thành phố Fairbanks cho biết mật độ bụi mịn do khói gây ra tại quận Fairbanks North Star trong hai tuần qua cao gấp đôi so với mức thấp nhất có thể nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Chất lượng không khí tại khu ngoại ô North Pole của thành phố đã tiếp tục vượt ngưỡng nguy hiểm vào ngày 9/7. Nguyên nhân là do hai trận cháy rừng tại Alaska kể từ ngày 21/6. Thành phố Fairbanks cũng là nơi đông dân thứ hai của Alaska với 97.000 người.
Theo nhà chức trách, hai trận cháy rừng Shovel Creek và Nugget do sét gây ra vào tháng trước đã càn quét gần 8.094 hécta rừng. Xa hơn về phía Bắc, đám cháy Hess Creek cũng do sét đã bao trùm gần 70.000 hécta rừng, khiến đây trở thành trận cháy rừng lớn nhất trong năm nay tính đến thời điểm này. Khói dày đặc đã tràn vào Fairbanks buộc nhà chức trách phải khuyến cáo rằng hoạt động ngoài trời là vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe, hối thúc người già, trẻ em và những người có vấn đề về hô hấp ở trong nhà. Bệnh viện Fairbanks Memorial đã phải mở phòng khí sạch để người dân có thể đến nghỉ ngơi, tránh được ô nhiễm.
Trong khi đó, thành phố Anchorage đông dân nhất của Alaska vẫn tiếp tục hứng chịu tình trạng ô nhiễm không khí do trận cháy rừng Swan Lake xảy ra vào tháng trước, thiêu trụi 39.200 hécta rừng của Bán đảo Kenai.
Thời gian gần đây, Bang Alaska đang trải qua đợt nắng nóng bất thường, với nền nhiệt độ cao kỷ lục ghi nhận ở thành phố Anchorage trong ngày Quốc khánh Mỹ 4/7 vừa qua lên tới 32,2 độ C, mức cao nhất trong 50 năm qua. Kỷ lục nhiệt độ cao nhất trước đó được ghi nhận tại khu vực này là 29,4 độ C vào ngày 14/6/1969. Thời tiết nắng nóng đã làm gia tăng nguy cơ xảy ra cháy rừng tại bang này.
Tú Anh (T/h)