Indonesia: Ngôi làng Bangun đang dần bị “nuốt chửng” bởi rác thải
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 06:00, 10/07/2019
Con đường làng Bangun đã hoàn toàn bị ngăn chặn bởi rác thải từ đồ gia dụng, bao bì thực phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân. Ngôi làng này đang dần dần bị nuốt chửng bởi rác thải nhựa của thế giới phát triển.
Cảnh tượng xung quanh làng rất kinh khủng, gây mất mỹ quan và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng đa số người dân làng Bangun lại hoan nghênh rác thải nhựa.
Công việc đồng áng là phụ trợ đối với nhiều người dựa vào nguồn thu nhập từ công việc thu gom rác của các quốc gia khác nhập đến. Một số người khác bán đất hoặc biến chúng thành những bãi rác mới.
Những nguy hiểm vô hình luôn ẩn giấu dưới lòng đất. Bãi rác làm nguồn nước ngầm địa phương nhiễm độc, theo nghiên cứu của Heru Prasadja, nhà khoa học xã hội tại Đại học Công giáo Atma Jaya ở Jakarta. Những người nhặt rác sử dụng nước nhiễm độc để rửa thực phẩm và tắm, dù họ có lọc nước uống và nước nấu ăn của mình. Prasadja ghi nhận việc này từ những người ăn nấm và rau được trồng tại làng Bangun.
Làng Bangun cho biết, trẻ em sống ở khu vực bãi rác bị phát ban hay bệnh về hô hấp và tiêu chảy vô cùng phổ biến.
“Tôi từng là một nông dân nhưng bây giờ tôi quyết định đi phân loại rác. Công việc này khá sinh lợi và giúp tôi kiếm tiền mỗi tuần” – ông Supriadi, 42 tuổi, cho biết khi đang bới đống rác thải trước nhà.
Ông Supriadi trả tiền để rác được chuyển đến và mong đợi sẽ kiếm ít nhất gấp đôi số tiền bỏ ra nhờ thu nhặt những đồ vật có giá như vỏ lon nước và dây diện. Những thứ còn lại có thể bán cho nhà máy đậu hũ ở địa phương để làm nhiên liệu đốt.
Rác thải nhựa chất đống bên ngoài dãy nhà ở làng Bangun. Ảnh: CNA
Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đất đai, không khí, thực phẩm gây ảnh hưởng lên sức khỏe con người trở nên hết sức đáng ngại ở huyện Mojokerto và vùng lân cận.
“Điều này rất đáng sợ vì chúng ta đang sử dụng nguồn nước hạ lưu để làm nước uống. 80% nguồn cá địa phương bị ngộ độc hạt vi nhựa. Hạt vi nhựa được ví như “ngựa thành Troy” bởi vì chúng hấp thụ thuốc trừ sâu, kim loại nặng và chất tẩy rửa, rồi ngấm vào thực phẩm, nguồn nước và cơ thể con người” – ông Prigi Arisandi, Giám đốc điều hành tổ chức Ecoton, lo lắng.
Chính quyền địa phương cho biết tình trạng này quá khủng hoảng khi một huyện nhỏ của họ phải chống chọi với gánh nặng toàn cầu còn người dân gần như không quan tâm.
“Người dân tiếp nhận rác thải vì chúng mang lại lợi nhuận. Những cánh đồng lúa bị biến thành bãi rác và họ phân loại rác trước nhà” – ông Zainul Arifin, Giám đốc Phòng Môi trường huyện Mojokerto, cho biết.
Mặc dù nhận biết những mối nguy hiểm nhưng dân địa phương cứng rắn cho rằng họ sẵn sàng tận dụng rác thải của thế giới để đạt được sự giàu có hơn là tìm cách thay thế.
Indonesia chứng kiến sự bùng nổ rác thải được nhập vào từ khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu nhựa. Ảnh: CNA
Ông Mbah Bodo, người làng Bangun, bày tỏ: “Nếu không có rác để phân loại thì thật nguy hiểm vì chúng tôi sẽ kiếm ít tiền hơn hoặc thậm chí mất đi nguồn thu nhập chính. Nếu chính phủ quyết định gửi trả rác, người dân sẽ nổi giận”.
Cho đến khi điều đó xảy ra ở Indonesia, cuộc sống tại làng Bangun sẽ không có nhiều thay đổi. Hàng nghìn người vẫn sẽ gửi gắm cuộc sống của mình vào những thứ bốc mùi hôi thối nhặt được.
Ngọc Ánh (t/h)