Chuyên gia lý giải nguyên nhân cá chết hàng loạt ở sông Tô Lịch

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 00:30, 15/07/2019

Moitruong.net.vn – Sau 3 ngày Công ty Thoát nước Hà Nội xả hơn 1 triệu m3 nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch, nước sông đã đen trở lại và xuất hiện tình trạng cá chết dạt vào bờ.

Lý giải nguyên nhân trên, ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Việt Nhật (JVE) cho biết: Cá chết là do quá trình theo dòng nước cuốn vào sông Tô Lịch, cá đã bị va đập, kẹt vào tấm chặn rác nên chết trước khi vào sông. Sau đó, xác cá trôi dạt về phía trung tâm xử lý thí điểm làm sạch nước sông Tô Lịch công nghệ Nhật Bản. Còn phía vị trí phường Quan Hoa rất xa so với vị trí xử lý làm sạch nước bằng công nghệ Nano Bioreactor nên cá bị thiếu ôxy nên chết.

Hiện nay, tại sông Tô Lịch có các dự án đang triển khai để làm sạch dòng sông này như: Thí điểm làm sạch nước bằng công nghệ Nano – Bioreactor Nhật Bản; Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá rộng 13,8 ha nằm ở xã Thanh Liệt (Thanh Trì); Sử dụng chế phẩm Redoxy3C và bơm nước nơi khác vào dòng sông.

Nước sông ở mức thấp để lộ ra lớp bùn và xác cá chết bốc mùi hôi thối, khó chịu

Theo ông Nguyễn Khắc Kính, nguyên Cục trưởng cục Bảo vệ môi trường, Thẩm định đánh giá tác động Môi trường cho biết: “Việc cá từ Hồ Tây theo dòng vào sông Tô Lịch sau 3 ngày ngừng xả nước chết trắng là điều đương nhiên, bởi sông Tô Lịch vốn dĩ là sông chết từ lâu đời đến nay. Khi cá vào sông chỉ chống đỡ được 1-2 ngày, khi nước rút đi thì theo đó cá cũng đồng loạt chết theo”.

“Thông thường sông Tô Lịch không phải môi trường để nuôi cá, theo quy định nuôi trồng thủy hải sản, nước phải đảm bảo chất lượng 08/2015, sông hiện nay chỉ là cống nước thải của thành phố, chính vì thế cá vào đây không thể sống lâu được”, ông Kính lý giải nguyên nhân.

Ngoài ra việc cá chết trắng hai bên bờ nhiều nhất tại điểm thí nghiệm Nano ông Kính cho biết thêm: “Còn việc cá chết nhiều ở điểm thí nghiệm công nghệ Nano Nhật Bản là vì đây là điểm đầu nguồn, thứ 2 có thể họ không che chắn cẩn thận, dòng chảy vẫn chảy vào nên cá lọt vào nhiều. Nhưng nếu muốn có kết quả xác thực, chúng ta vẫn nên có một cuộc tiến hành kiểm tra, thì sẽ chính xác hơn”.

Công nhân môi trường dùng thuyền nhỏ vớt xác cá chết trên sông Tô Lịch

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện công nghệ Sinh học, đại học Bách Khoa Hà Nội đồng quan điểm: “Việc cá chết hàng loạt tại sông Tô Lịch sau khi ngừng xả nước từ Hồ Tây là điều dễ hiểu, vì cá theo dòng chảy sẽ bị tác động lực mạnh từ nước, và nhiều vật thể khác khi vào sông thay đổi môi trường nước sẽ bị sốc dẫn đến cá chết là chuyện đương nhiên”.

Giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo nhân dân Ngô Đình Tuấn – Chủ tịch Hội Môi trường và Tài nguyên nước Việt Nam cho biết: “Không chỉ riêng những người nghiên cứu mà mọi người đều mong muốn sông Tô Lịch trở lại sạch đẹp, là một dòng sông du lịch để người dân có thể đi thuyền ngắm cảnh”.

Nếu dùng nước từ các dòng sông khác thau rửa sông Tô Lịch, chúng ta phải đưa nhiều nước sông Hồng vào. Nhưng mùa cạn, chúng ta không thể thực hiện được công tác này. Theo quan điểm cá nhân tôi, việc thau rửa sông Tô Lịch sẽ có hiệu quả khi chúng ta đã xử lý ô nhiễm, nếu không sẽ không có giá trị”, ông Ngô Đình Tuấn nhận định.

Trước đó, công ty TNHH MTV Cấp Thoát nước Hà Nội đã cho mở cửa xả hơn 1 triệu m3 nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch và nước sông đã chuyển sang màu xanh rêu. Tuy nhiên, sau khi ngừng xả được 3 ngày, dọc hai bên bờ sông Tô Lịch, đặc biệt là khu vực gần đoạn thí điểm công nghệ Nhật Bản, cá nổi trắng hai bên bờ.

Hà An (T/h)

Hà An (T/h)