Sau vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris, báo động nguy cơ ô nhiễm chì

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 04:34, 21/07/2019

Moitruong.net.vn – Thành phố Paris đang tiến hành tẩy độc chì, tại các trường học và nhà trẻ xung quanh do lượng lớn chì phát tán trong không khí sau vụ cháy Nhà thờ Đức bà.

Vụ cháy kinh hoàng ngày 15/4 đã phá hủy phần mái nhà và tháp chuông của Nhà thờ Đức bà, làm tan chảy các tấm chì lớn vốn bao phủ kết cấu khung bằng gỗ tinh xảo. Tuy nhiên, giới chức Pháp khi đó cho rằng kết quả xét nghiệm không cho thấy bất kỳ nguy cơ ô nhiễm chì trong không khí, khi các phân tích đối với không khí cho thấy lượng chì đều ít hơn so với mức giới hạn hợp pháp là 0,25 microgram/m3 không khí.

Trong khi đó, tổ chức phi chính phủ về môi trường Robin Hood ước tính phần mái nhà và tháp chuông chứa hơn 300 tấn chì đã bị tan chảy trong vụ hỏa hoạn, đồng thời kêu gọi giới chức “làm sạch” khu vực này trước khi tiến hành công việc phục dựng lại nhà thờ.

Giới chức Pháp cho biết chì không phải là mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với người dân vì kim loại này chỉ có hại khi bị nuốt vào bụng nhiều lần. Kể từ sau vụ hỏa hoạn, không có báo cáo nào ghi nhận về trường hợp nhiễm độc chì.

Ngày 18/7, trang mạng Mediapart đã đăng tải một báo cáo cho thấy, tại các trường học hay nhà trẻ nằm trong khu vực gần Nhà thờ Đức Bà Paris, lượng chì được tìm thấy cao gấp nhiều lần mức báo động. Trang mạng này cũng cáo buộc Tòa thị chính thành phố Paris đã che giấu sự thật về tình trạng ô nhiễm chì sau khi xảy ra vụ cháy Nhà thờ Đức Bà cách đây 3 tháng và không tiến hành các biện pháp khắc phục cần thiết.

Sau đó ít giờ, trong một cuộc họp báo được Cơ quan y tế vùng Ile de France (ARS) tổ chức, người đại diện Tòa thị chính Paris đã đáp trả cáo buộc trên của Mediapart, khẳng định lượng chì trung bình tại các khu vực này không đến mức báo động.

Đây là cuộc họp báo nhằm trấn an người dân Paris về các nguy cơ đối với sức khỏe người dân liên quan tới vấn đề ô nhiễm chì sau khi gần 400 tấn chì chứa trong mái vòm và các ngọn tháp của Nhà thờ Đức Bà Paris phát tán vào không khí và rơi xuống một khu vực rộng lớn xung quanh. Tổng giám đốc Cơ quan y tế khu vực Ile de France khẳng định, đây là vấn đề mà Paris phải đối mặt lâu dài nhưng tình hình vẫn trong tầm kiểm soát.

Nhà thờ Đức Bà cháy

Mặc dù vậy, thành phố Paris cũng thông báo sẽ tiến hành một chiến dịch tẩy rửa đặc biệt tại các nhà trẻ và trường học, nằm gần với Nhà thờ Đức Bà để đảm bảo nguy cơ ô nhiễm chì là nhỏ nhất có thể. Chiến dịch này sẽ tiến hành trong các tháng hè và đảm bảo không trường học hay nhà trẻ nào được mở cửa vào năm học mới nếu như còn ghi nhận nguy cơ dù là nhỏ nhất.

Việc tẩy rửa chì sẽ được tiến hành tại toàn bộ khu vực sân chơi, các bức tường và đồ đạc, vật dụng trong các trường học, nhà trẻ trong khu vực, với máy móc chuyên dụng. Chiến dịch này được tiến hành đặc biệt tại các nhà trẻ, do trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị ngộ độc chì nhất khi tiếp xúc với chì có trong bụi hoặc bám trên mặt đất.

Cơ quan y tế vùng Ile de France cũng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, 82 cuộc kiểm tra mức chì trong máu đã được tiến hành đối với trẻ em sống quanh khu vực Nhà thờ Đức Bà Paris, trong đó phát hiện duy nhất một trường hợp (một bé 2 tuổi) có mức chì trong máu cao hơn mức khuyến cáo (50mg/lít máu).

Tuy vậy, có một thông tin mà cơ quan y tế vùng cũng như Tòa thị chính thành phố Paris không bác bỏ, đó là khu vực sảnh trước Nhà thờ Đức Bà đang bị ô nhiễm chì nghiêm trọng. Tỉ lệ chì tại khu vực này đang là khoảng 20 000 mg trên mỗi kg đất, cao hơn khoảng 70 lần mức cho phép (300 mg trên mỗi kg đất). Đáng lo ngại hơn, con số này không hề giảm đi sau nhiều nỗ lực của các cơ quan chức năng. Chính vì vậy, khu vực sảnh trước của nhà thờ vẫn tiếp tục bị phong tỏa, không cho người dân và khách du lịch tiếp cận. Cơ quan chức năng sẽ áp dụng các biện pháp xử lý ô nhiễm chì mới tại khu vực này.

Các biện pháp này của cơ quan y tế vùng Ile de France không được các nhà nghiên cứu đồng tình. Bà Annie Thébaud-Monny, giám đốc nghiên cứu tại Viện Y tế và Nghiên cứu Y học quốc gia Pháp (Inserm) cho rằng “chì là một chất độc mà không có mức nào là mức dưới nguy hiểm, cũng như đối với chất a-mi-ăng (một chất đã bị cấm ở Pháp từ năm 1997). Theo nhà nghiên cứu này “đã có chì là có nguy cơ”. Một nhà nghiên cứu khác cũng khẳng định, các căn bệnh ung thư liên quan tới chì chỉ xuất hiện 10 năm, 20 năm hoặc 30 năm sau khi bị nhiễm chất độc này.

Tú Anh (T/h)

Tú Anh (T/h)