Dân số sức ép lên môi trường

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 05:00, 19/07/2019

Moitruong.net.vn – Dân số và môi trường có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Sự biến động của dân số có tác động tích cực hay tiêu cực đối với sự phát triển bền vững hay không bền vững của môi trường.

Bùng nổ dân số

Dân số thế giới tăng nhanh, nhất là ở nửa sau thế kỷ XX. Càng những năm về sau thời gian dân số tăng 1 tỷ người càng rút ngắn. Hiện nay, trung bình mỗi năm dân số thế giới tăng gần 80 triệu người. Dân số thế giới dự báo sẽ đạt con số 8,6 tỷ người vào năm 2030, sau đó lên mức 9,8 tỷ người năm 2050 và 11,2 tỷ người vào năm 2100.

Sự bùng nổ dân số hiện nay trên thế giới diễn ra chủ yếu ở các nước đang phát triển. Các nước này chiếm khoảng 80% dân số và 95% số dân gia tăng của thế giới. Sự gia tăng dân số nhanh trên thế giới thể hiện ở một số nguyên nhân chính như: Dân số và tập quán sống di cư, du cư; đô thị hóa; các thành phố có số dân trên 1 triệu người ngày càng nhiều. Đến nay thế giới đã có trên 270 thành phố trên 1 triệu dân và 50 thành phố trên 5 triệu dân.

Sức ép lên môi trường

Theo ông Nguyễn Xuân Luận – Trung tâm Quan trắc và Bảo vệ Môi trường, dân số và môi trường là hai yếu tố có quan hệ chặt chẽ với nhau. Sự phát triển của yếu tố này có mối liên hệ đến sự phát triển của yếu tố kia: Sự biến động của dân số có tác động tích cực hay tiêu cực và sự phát triển bền vững hay không bền vững của môi trường, tài nguyên cũng có tác động ngược lại ở xã hội loài người bởi cả hai mặt. Đặc biệt trong xu thế phát triển kinh tế xã hội ngày nay thì mối quan hệ trên càng được thể hiện rõ nét.

Các tác động tiêu cực của tình trạng gia tăng dân số hiện nay trên thế giới biểu hiện ở các khía cạnh sau:

Sức ép lớn tới tài nguyên thiên nhiên và môi trường trái đất do khai thác quá mức các nguồn tài nguyên phục vụ cho các nhu cầu nhà ở, sản xuất lương thực, thực phẩm, sản xuất công nghiệp, v.v…

Tạo ra các nguồn thải tập trung vượt quá khả năng tự phân huỷ của môi trường tự nhiên trong các khu vực đô thị, khu sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.

Sự chênh lệch về tốc độ phát triển dân số giữa các nước công nghiệp hoá và các nước đang phát triển gia tăng, dẫn đến sự nghèo đói ở các nước đang phát triển và sự tiêu phí dư thừa ở các nước công nghiệp hoá. Sự chênh lệch ngày càng tăng giữa đô thị và nông thôn, giữa các nước phát triển công nghiệp và các nước kém phát triển dẫn đến sự di dân ở mọi hình thức.

Sự gia tăng dân số đô thị và sự hình thành các thành phố lớn – siêu đô thị làm cho môi trường khu vực đô thị có nguy cơ bị suy thoái nghiêm trọng. Nguồn cung cấp nước sạch, nhà ở, cây xanh không đáp ứng kịp cho sự phát triển dân cư. Ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước tăng lên. Các tệ nạn xã hội và vấn đề quản lý xã hội trong đô thị ngày càng khó khăn.

Gia tăng dân số đang gây sức ép nặng nề tới môi trường toàn cầu. Diện tích trái đất hầu như không thay đổi nhưng số dân thì tăng gấp nhiều lần. Dân số tăng nhanh làm cho môi trường không đáp ứng được các nhu cầu cơ bản của con người. Muốn tồn tại, con người buộc phải phá rừng để mở rộng diện tích canh tác và chăn nuôi gia súc. Từ năm 1950 – 1993, diện tích canh tác theo đầu người đã giảm từ 0,23 ha xuống 0,13 ha.

Để khắc phục sự hạn chế về diện tích, người ta phải tăng năng suất cây trồng bằng thủy lợi và phân bón. Nhưng ngày nay diện tích canh tác, diện tích thuỷ lợi hoá và lượng phân bón tính theo đầu người cũng giảm và xu thế này còn tiếp diễn chừng nào số dân còn tiếp tục tăng. Năm 1996 lượng cá đánh bắt đạt 93 triệu tấn đến năm 1999, con số này chỉ còn lại 86 triệu tấn. Do lượng đánh bắt giảm nên nuôi trồng thủy sản phát triển và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, rừng ngập mặn bị tàn phá, các hệ động thực vật bị suy thoái.

Tại hầu hết các châu lục, các đồng cỏ bị khai thác kiệt quệ. ở những nơi mà số lượng bò và cừu vượt quá mức thì đồng cỏ dần biến thành đất hoang. Hiện tượng này đã xảy ra ở các nước có nền kinh tế chăn nuôi tại châu Phi và Trung á. Đất chăn nuôi bị suy thoái làm cho nhiều người mất việc làm, buộc phải đổ về các thành thị hoặc sống bằng lương thực cứu trợ.

Đô thị hoá với tốc độ nhanh cũng gây ra những vấn đề môi trường nan giải. Năm 1999, số dân thành thị trên toàn thế giới là 2,8 tỷ người, gấp 4 lần so với năm 1950. Hiện nay, có tới một nửa dân số thế giới sống ở thành thị, những thách thức về môi trường bắt nguồn một phần từ các đô thị. Chính các thành phố đã sản sinh ra 75% lượng CO2 trên toàn cầu vì sử dụng nhiên liệu hoá thạch và tiêu thụ 3/4 lượng gỗ công nghiệp thế giới. Tốc độ đô thị hoá nhanh, những vấn đề môi trường như ô nhiễm không khí và nước đang trở nên tồi tệ ở những nơi Chính phủ không đủ năng lực xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng về giao thông, nước và xử lý rác thải.

Hiện nay có 220 triệu người trong các thành phố thuộc các nước đang phát triển đang trong tình trạng thiếu nước sạch và 1,1 tỷ người đang sống ngột ngạt trong bầu không khí bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, chất lượng đất cũng giảm rõ rệt, diện tích đất trống đồi núi trọc chiếm tới 30% diện tích tự nhiên. Nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp bị ô nhiễm môi trường đặc biệt tại các thành phố, thị xã. Lượng chất thải tăng cùng với sự gia tăng dân số.

Sự chênh lệch về tốc độ phát triển dân số giữa các nước công nghiệp hoá và các nước đang phát triển gia tăng, dẫn đến sự nghèo đói ở các nước đang phát triển và sự tiêu phí dư thừa ở các nước công nghiệp hoá. Sự chênh lệch ngày càng tăng giữa đô thị và nông thôn, giữa các nước phát triển công nghiệp và các nước kém phát triển dẫn đến sự di dân ở mọi hình thức.

Sự gia tăng dân số đô thị và sự hình thành các thành phố lớn – siêu đô thị làm cho môi trường khu vực đô thị có nguy cơ bị suy thoái nghiêm trọng. Nguồn cung cấp nước sạch, nhà ở, cây xanh không đáp ứng kịp cho sự phát triển dân cư. Ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước tăng lên.

Trên toàn cầu, tuổi thọ trung bình tăng từ 65 tuổi đối với nam và 69 tuổi đối với nữ trong giai đoạn 2000-2005 lên 69 tuổi đối với nam và 73 tuổi đối với nữ trong giai đoạn 2010-2015. Tuy nhiên, còn tồn tại sự chênh lệch lớn giữa các quốc gia.

Tú Anh (t/h)