Rác thải chảy từ Thái Nguyên về Bắc Giang chưa được giải quyết, cả đoạn kênh Trôi bốc mùi lợn chết
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 13:00, 13/08/2019
Kênh Trôi thuộc hệ thống thủy lợi sông Cầu, được Bộ Nông nghiệp và PTNT phân cấp cho Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Nam sông Thương (Bắc Giang) quản lý và khai thác. Trước khi đổ vào địa phận Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, kênh Trôi chảy qua nhiều địa phương của tỉnh Thái Nguyên, trong đó có huyện Phú Bình với chiều dài hơn 30km. Dòng kênh dẫn nước tưới từ sông Cầu về Hiệp Hòa và một phần huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Nhiều năm qua, rác thải trên kênh Trôi chảy từ Thái Nguyên về Bắc Giang ngày càng nhiều. Đặc biệt, từ đầu tháng 3/2019, khi bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên ngoài rác thải, ngày nào trên tuyến kênh này cũng có xác lợn trôi về Bắc Giang.
Tại khu vực cầu kè Gia Tư, xã Hoàng An, huyện Hiệp Hoà, Bắc Giang, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến mục sở thị hàng chục xác lợn chết mắc cạn tại hàng rào ngăn rác giữa lòng kênh N3. Đây là địa điểm giáp ranh giữa huyện Hiệp Hoà và huyện Phú Bình (Thái Nguyên).
Ông Nguyễn Quốc Mỹ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ và Kỹ thuật nông nghiệp huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cho biết, có ngày đơn vị vớt gần 4 tấn lợn chết dưới kênh mang đi tiêu hủy. Chỉ tính riêng trong tháng 7, lực lượng chức năng đã vớt gần 280 xác lợn tại đây. Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, tình trạng này còn khiến dịch tả lợn châu Phi lan rộng.
Mặc dù từ ngày 2/5, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hoà và Chủ tịch UBND huyện Phú Bình đã làm việc để phối hợp thu gom, tiêu hủy xác lợn chết. Huyện Phú Bình thống nhất sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để bà con không vứt xác lợn ra sông, kênh mương… Đồng thời lập các hàng rào chắn rác tại từng xã để thu gom xác lợn. Tuy nhiên, đến nay huyện Phú Bình vẫn chưa lập các hàng rào chắn rác.
Rác thải và xác động vật thối rữa được UBND huyện Hiệp Hòa chắn lại trên kênh. Ảnh: Báo Giao Thông
Những xác lợn trương phềnh, thối rữa ngày ngày vẫn tiếp tục dồn về khu vực cầu Gia Tư của xã Hoàng An, gây nguy cơ lây lan nhanh dịch bệnh.
Đến ngày 16/5, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang mời lãnh đạo UBND huyện Phú Bình và Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên đến làm việc để bàn về công tác phối hợp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Tại những hố chôn lợn bị tiêu hủy, mặc dù được chôn lấp kỹ nhưng nắng nóng vẫn khiến mùi hôi thối bốc lên.
Theo một người dân tại thôn Hoàng Liên, xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa, tháng trước, xác lợn từ thượng nguồn ở kênh mương huyện Phú Bình, Thái Nguyên trôi về rất nhiều gây ô nhiễm môi trường.
Do ở cuối nguồn, nên khu vực kênh mương Hiệp Hòa hay bị gặp phải tình trạng rác thải và xác động vật ở thượng nguồn trôi dạt về.
Trong đó, tỉnh Bắc Giang đề xuất xây dựng đăng chắn rác tại thôn Đại Thắng, xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa – điểm giáp ranh với xã Kha Sơn, huyện Phú Bình nhưng chính quyền phía Thái Nguyên không chấp nhận với lý do lập đăng chắn rác ở kênh sẽ làm thay đổi dòng chảy, mất ổn định và an toàn công trình…
Theo ông Thái Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên thì chỉ có rác từ phía Thái Nguyên trôi vào Hiệp Hòa, còn lợn hầu như không có. Có chăng, các thương lái thu mua lợn gần điểm giáp ranh vứt xác lợn ốm chết xuống kênh? “Địa phương chúng tôi chi trả hỗ trợ tiền tiêu hủy lợn mắc dịch tả lợn châu Phi sớm nhất cả nước nên không có lý gì người dân lại mang lợn chết vứt xuống kênh”, ông Hải khẳng định.
Tuy nhiên, từ giữa tháng 4/2019, UBND huyện Hiệp Hòa đã cho lắp đăng chắn rác trên kênh, chỉ sau một tuần, lượng rác, xác lợn ùn ứ tại đây lên tới cả chục tấn. Tuy vậy, sau đó đăng rác này đã bị kẻ gian lấy trộm.
Sau các cuộc thảo luận không thành, trong khi lượng rác và xác lợn trôi về ngày càng nhiều, ngày 14/5, huyện Hiệp Hòa đã lắp đặt một đăng chắn rác trên kênh Trôi tại điểm giáp ranh với Phú Bình nhưng do không đồng tình, nhiều người dân huyện Phú Bình đã đến phá.
Đến nay, UBND huyện Hiệp Hòa và Phú Bình cũng như chính quyền hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn vẫn chưa có tiếng nói chung trong việc giải quyết tình trạng trên. Hàng ngày vẫn có hàng tấn rác thải và xác động vật chảy theo nguồn nước trên kênh từ Thái Nguyên về Bắc Giang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ngọc Ánh (t/h)