TP. Hồ Chí Minh: Hạn chế khai thác nước ngầm
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 08:21, 08/03/2017
(Moitruong.net.vn) – Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Ðầu tư thành phố, tính đến tháng 2-2017, mỗi ngày, SAWACO sản xuất, cung cấp vào hệ thống 1.796.000 m3 nước sạch, bảo đảm cung ứng đủ nước sạch cho nhu cầu tiêu dùng của toàn thành phố. Tuy nhiên, việc khai thác nước ngầm quá mức đang gây ra những hệ lụy cho TP Hồ Chí Minh.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Cấp nước sạch cho tất cả các hộ dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong những năm qua. Thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-HÐND ngày 12-12-2014 và Nghị quyết số 04/NQ-HÐND, ngày 30-7-2015 của HÐND thành phố Hồ Chí Minh (khóa 8) về cung cấp nước sạch cho nhân dân, ngành cấp nước, các cơ quan liên quan và các địa phương ở thành phố đã triển khai nhiều giải pháp phát triển nguồn cung, xây dựng, mở rộng mạng lưới đường ống; lắp đặt đồng hồ tổng, trạm cấp nước, bồn chứa nước, thiết bị lọc; triển khai đường ống nhánh, lắp đặt đồng hồ đo nước đến từng hộ dân… Ðến cuối tháng 1-2017, tất cả hộ dân thành phố đã được cấp nước sạch. Về nguồn cung, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Ðầu tư thành phố, tính đến tháng 2-2017, mỗi ngày, SAWACO sản xuất, cung cấp vào hệ thống 1.796.000 m3 nước sạch, bảo đảm cung ứng đủ nước sạch cho nhu cầu tiêu dùng của toàn thành phố.
Tuy nhiên, tình trạng khai thác nước ngầm với mức nửa triệu mét khối một ngày, đêm là vấn đề cần xem xét nghiêm túc. Ngoài việc làm suy giảm, gây ô nhiễm các tầng, túi nước ngầm, tác nhân của những vụ lún sụt mặt đất…, nước ngầm được sử dụng trong sinh hoạt, ăn uống hằng ngày còn gây tác hại không nhỏ đến sức khỏe người dùng.
Lý giải cho việc khai thác, sử dụng nước ngầm quá mức, nhiều người cho rằng, công tác quản lý nguồn tài nguyên, quản lý hoạt động cấp phép, khai thác chưa chặt chẽ. Các cơ quan quản lý, nhất là cấp cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về vị trí quan trọng của tài nguyên nước; những tác hại lâu dài khi nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức bù đắp dẫn đến việc chưa thật sự quyết liệt trong công tác quản lý, bảo vệ… Không ít người dân do chưa nắm rõ những quy định của pháp luật về bảo vệ, khai thác tài nguyên (nhất là tài nguyên nước), nên chưa có ý thức bảo vệ, giữ gìn nguồn nước. Ở một số khu vực ngoại thành, người dân từ lâu đã có thói quen dùng nước giếng khoan, ngại lắp đặt hệ thống đường ống mới, muốn tiết kiệm chi phí hằng tháng. Dù đã có nước máy nhưng theo thống kê của SAWACO, thành phố vẫn còn khoảng 7% số khách hàng (hộ) không sử dụng nước máy; 10% số khách hàng (hộ) có mức sử dụng chỉ từ 1 đến 4 m3/ tháng.
TP Hồ Chí Minh đang trong quá trình đô thị hóa rất nhanh, làm cho nhiều diện tích mặt đất bị bê-tông hóa, nhựa hóa; nhiều ao hồ, kênh rạch bị lấn chiếm, san lấp… khiến lượng nước thấm tự nhiên vào lòng đất ngày càng suy giảm. Do vậy, bảo vệ tầng nước ngầm đã trở thành vấn đề cấp bách hiện nay.
Để cá nhân, tổ chức hạn chế, tiến tới chấm dứt khai thác nước ngầm, các cơ quan chức năng cần khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng nước ngầm từng khu vực. Lập quy hoạch vùng nước; khảo sát, công bố rộng rãi đến người dân, các đơn vị, doanh nghiệp những vùng, khu vực cấm khai thác hoặc hạn chế khai thác nước ngầm. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động từng hộ gia đình nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm…, đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về sử dụng nước ngầm.
Minh Minh